Một quán bún cua ở Gia Lai
Bún cua
Đứng đầu trong danh sách các món ăn nên thưởng thức khi đến Gia Lai chính là bún cua. Món đặc sản này thử thách sự can đảm của du khách vì chỉ mới nghe tên thôi đã muốn xa lánh.
Linh hồn của món ăn này nằm ở phần nước dùng màu đen béo ngậy lạ miệng, có mùi khó ngửi, được làm từ nước cua xay ủ lên men rồi đun sôi nhỏ lửa, cho thêm măng tươi thái mỏng.
Một tô bún cua gồm bún, măng, da heo chiên, tóp mỡ… kèm theo nước dùng. Độ giòn của tỏi với bì heo, tóp mỡ, độ mềm dẻo của măng… khiến khách bỗng chốc ăn hết vèo cả tô mà nhớ thương luôn cái mùi lạ lùng ban đầu.
Bánh xèo
Bánh xèo ở Gia Lai được đổ theo khổ nhỏ như bánh xèo miền Trung. Bột xay hoàn toàn từ gạo, bánh giòn thơm, béo, không hôi bột, không quá ngấy mỡ.
Bánh gồm nhiều loại nhân, nếu ăn bánh đầy đủ gồm trứng – tôm – bò thì khoảng 15.000 đồng/ cái. Cách ăn ở đây cũng là lạ vì phần lớn khách chan nước mắm vào trong dĩa ăn cả bánh với rau chứ không cuốn như bánh xèo miền Tây.
Bún bò Huế
Ăn bún bò Huế ở Gia Lai khá lạ so với ở TP HCM khi trong tô bún bò có thêm riêu. Nước dùng thơm ngon, đậm đà và cay. Thịt thì cắt kiểu như tái của món phở và có nhiều đồ ăn kèm.
Gà nướng cơm lam
Gà ướp gia vị sả, lá tiêu rừng, mật ong… rồi kẹp vào thân tre, sau đó cắm xuống than hồng. Cùng lúc này, gạo nếp dẻo được cho vào ống tre để nướng cùng với gà trên than.
Gà nướng lửa cao nên da giòn rụm, thịt vẫn còn giòn và dai, thấm gia vị ướp từ trong nên ăn vừa miệng.
Các loại nước chấm gồm muối ớt xanh và muối ớt đỏ làm món này càng thêm đặc sắc. Muối ớt xiêm xanh trái ớt thơm mà không cay lắm, không có hậu đắng. Muối ớt đỏ thì vị lại ngòn ngọt kiểu như TP HCM.
Cơm lam thì chấm với muối mè đậu phộng ăn kèm gà nướng. Giá nửa con gà nướng khoảng 125.000 đồng, cơm lam thì 20.000 đồng/ ống.
Phở khô Gia Lai
Phở khô Gia Lai thường được gọi là phở hai tô
Phở khô Gia Lai đã có mặt trong nhiều nhà hàng, quán cà phê nổi tiếng ở TP HCM nhưng ăn tô phở bốc khói trong tiết trời phố núi se lạnh thì cảm giác thật khác biệt.
Món này khá cầu kỳ, gồm 2 tô: 1 tô phở khô có hành phi vàng giòn, thịt bằm, 1 tô nước có thịt thái mỏng mùi vị giống nước phở và 1 chén tương chấm. Cọng phở khô hơi giống bún gạo và cũng na ná cọng hủ tíu.
Cách ăn khá giống món hủ tiếu khô của người miền Nam. Mỗi lần gắp sợi phở, thực khách có thể húp thêm muỗng nước dùng ngọt thơm.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)