Đó là một kiểu ban nổi dưới da, dưới dạng những sẩn mẩn đỏ, có thể xuất hiện rải rác toàn thân, nhiều ít là tùy người, thường trẻ nhỏ thì không ngứa, trẻ lớn thì có thể ngứa. Đôi khi người lớn cũng gặp nhưng ít phổ biến hơn, người ngứa người không.
Dạng ban này cũng phổ biến trong nhiều bệnh do virus khác, ví dụ như zika, sốt xuất huyết, rubella, hay đôi khi không xác định được virus gì thì gọi là “sốt phát ban”.
Ban do Covid-19 cũng là ban phục hồi, tức xuất hiện trong giai đoạn khỏi bệnh và hồi phục như các bệnh kể trên. Chỉ có sởi là sau khi ra ban vẫn “hành” khoảng 4 ngày.
Nhưng Covid-19 không vậy, khi ra ban thì trẻ đã khỏe, các triệu chứng khác đã lui và ban này cũng sẽ tự hết nhanh chóng, không cần làm gì.
Chỉ khi nào trẻ phát ban mà có sốt cao trở lại thì mới cần lưu ý, đưa đi khám, vì đó có thể là dấu hiệu trẻ vừa mắc thêm một bệnh khác, nhưng mà tỉ lệ này cũng thấp lắm.
Ở các chủng trước cũng có hiện tượng phát ban ở trẻ con, vì vốn cơ địa trẻ con dễ phát ban khi sốt siêu vi hơn người lớn, nhưng đợt Omicron này trẻ bệnh nhiều nên người ta mới để ý, chứ không phải phát ban là một triệu chứng mới.
Tùy cơ địa chứ không phải trẻ nào cũng phát ban, nên đừng hoang mang nghĩ là con mình không phát ban thì… không phục hồi.
Với trẻ lớn và người lớn, nếu ngứa chút chút chịu được thì thôi, còn ngứa quá chịu không nổi thì có thể mua uống những thuốc chống dị ứng thông thường. Vài ngày ban phục hồi này sẽ tự khỏi, an tâm là không để lại dấu vết gì trên da, không có hại.
Trẻ con thường dù phát ban nhưng vẫn tươi vì đơn giản chúng không lo âu, không để ý đến chuyện ra ban hay không, nên không bị stress. Người lớn đôi khi thấy ban thì lo. Mà lo đôi khi nghĩ đến chuyện kiêng không cần thiết, dẫn đến khó chịu.
Mắc Covid-19 có ra ban hay không, có sốt hay không… thì cũng không có chuyện phải kiêng tắm hay kiêng nằm máy lạnh. Thời tiết đang vào mùa nóng nực, nhiễm Omicron thì có một số người gặp triệu chứng vã mồ hôi nhiều. Gồng mình chịu nóng, chịu ngứa ngáy do không tắm thì lại càng khó ngủ, mệt mỏi.
Cứ tắm bình thường, nằm máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải (chỉ cần đừng dùng cả ngày, thỉnh thoảng mở cửa lấy gió “tươi”) để thoải mái, ngủ được thì sẽ thấy càng mau khỏe.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)