Trong suốt thập kỷ qua, những bằng chứng rõ ràng về sự di chuyển của cực Bắc từ tính – Bắc Cực thực sự đã “trôi” đến gần bờ Siberia – Nga thay vì ở Canada như trước đây – đã làm dấy nên nghi ngờ hai cực từ của hành tinh sẽ sớm đổi chỗ cho nhau.
Vài năm nay, một điểm suy yếu từ trường gọi là Dị thường Nam Đại Tây Dương tiếp tục xuất hiện, tăng thêm mức cảnh báo về một trái đất sắp “đảo ngược”.
Trái đất và chiếc áo giáp từ quyển vô hình – Ảnh đồ họa từ ESA
Điều này sẽ đem đến lo lắng vì cho dù hành tinh của chúng ta đã nhiều lần đảo ngược như thế, nhưng một sự kiện như vậy trong hiện tại có thể hủy hoại hệ thống định vị, viễn thông, đồng thời khiến nhân loại và muôn loài phải hứng chịu một giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi bức xạ vũ trụ.
Vì từ quyển sẽ suy yếu trong giai đoạn đảo ngược, mà từ quyển chính là lớp vỏ bảo vệ trái đất khỏi các bức xạ có hại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Lund – Thụy Điển và Trường Đại học Bang Oregon – Mỹ không cho là thảm họa đó sẽ sớm xảy ra. Họ đã thực hiện một cuộc điều tra mô hình hóa từ trường của hành tinh trong quá khứ gần đây và phát hiện ra rằng một số điều gây lo lắng sẽ sớm biến mất.
“Dựa trên những điểm tương đồng với các dị thường được tái tạo, chúng tôi dự đoán Dị thường Nam Đại Tây Dương có thể sẽ biến mất trong vòng 300 năm tới và trái đất không hướng tới sự đảo ngược cực từ” – tờ Science Alert dẫn lời nhà địa chất Andreas Nilsson, tác giả chính của nghiên cứu.
Sự đảo ngược cực từ này chắc chắn sẽ phải diễn ra, và cũng đã diễn ra hàng trăm lần trong lịch sử hành tinh, nhưng sẽ không xảy ra ít nhất là trong thế hệ chúng ta và vài vài thế hệ sau.
Nó đã từng diễn ra thường xuyên hơn, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy khác với quá khứ, từ quyển của trái đất không còn hoạt động mạnh mẽ như trước nên các hiện tượng “nổi loạn” có thể sẽ không quá thường xuyên.
Các lần đảo ngược cực từ của trái đất đều được ghi lại trong dữ liệu cổ từ của các phiến đá, vì khi cực từ thay đổi thì các tinh thể siêu nhỏ có từ tính cũng thay đổi theo. Các tinh thể trong đất sét cũng chịu tác động tương tự, nên các nhà nghiên cứu có thể dựa vào cả gốm cổ để nghiên cứu các biến động từ trường.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)