Tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình diễn ra ngày 8-4, do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn trước giải pháp xử lý cá nhân gây ra hành vi bạo hành.
Bổ sung đối tượng vào dự luật
Thẩm phán Trịnh Ngọc Thúy, đại diện TAND TP HCM, nhắc lại vụ án bé gái tử vong do bị bạn gái của cha bạo hành (xảy ra ở quận Bình Thạnh, TP HCM) đã khiến dư luận bàng hoàng. Thẩm phán phân tích thủ phạm gây tội ác không có mối quan hệ gia đình với nạn nhân, mà chỉ có quan hệ tình cảm với cha nạn nhân. Như vậy, pháp luật hiện hành chưa xếp vụ án trên vào trường hợp bạo lực gia đình.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư – Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, nhận xét dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bao quát hầu hết công tác phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, cần bổ sung một số nội dung cho phù hợp thực tế. Đơn cử, nhiều vụ việc trẻ em gánh chịu cảnh bạo hành do bạn gái của cha hoặc bạn trai của mẹ gây ra. Người sai phạm không phải mẹ kế hay cha dượng nạn nhân nhưng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa nhắc đến thực trạng này. Luật sư cho rằng cơ quan soạn thảo cần ràng buộc thêm đối tượng là người có quan hệ tình cảm với cha, mẹ bị hại.
“Bên cạnh đó, đa phần phụ nữ gánh chịu tổn thất khi bạo lực gia đình xảy ra. Pháp luật quy định phụ nữ bị bạo hành phải tạm lánh, thoát khỏi nơi ở, còn người có hành vi bạo hành thì không cần ra đi. Như vậy là chưa thực sự mạnh tay xử lý thủ phạm bạo hành” – luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nêu vấn đề.
Ngăn vẫn tốt hơn chống
Dù đào sâu các vấn đề hậu bạo lực gia đình nhưng dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc phòng ngừa bạo lực gia đình.
Thẩm phán Trịnh Ngọc Thúy phân tích nội dung dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới chỉ chú trọng bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm liên quan đến bạo lực gia đình; có quy định góp ý, phê bình và hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình (tại mục 3 thuộc chương 2) nhưng dự thảo chỉ đề cập những tình huống phát sinh khi sự việc bạo lực gia đình đã xảy ra, không có nhiều giải pháp đề phòng, ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc (ly hôn, chết người, giết vợ, giết chồng…). Thẩm phán Trịnh Ngọc Thúy nhấn mạnh dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần chú trọng hơn đến vai trò, trách nhiệm cơ quan – đoàn thể như MTTQ, hội phụ nữ…
Dẫn chứng trường hợp bị cáo mang tội “Giết người” vì siết cổ chồng, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ kể bị cáo chung sống với người chồng vũ phu, nhiều lần chịu cảnh bạo hành. Cứ sau mỗi trận đòn, bị cáo vào nhà tạm lánh 15 ngày. Ngay sau đó, người chồng lại “ngựa quen đường cũ”. Không chịu nổi, bị cáo ly hôn. Tưởng rằng đó là lối thoát nhưng bi kịch vẫn xảy ra khi bị cáo tranh chấp với chồng cũ rồi gây án mạng. Đó là vụ việc đau lòng bắt nguồn từ bạo lực gia đình. Luật sư kết luận pháp luật cần xử phạt thích đáng thủ phạm bạo hành mới có thể ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tại hội thảo, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, đại diện Bệnh viện Hùng Vương, nói theo dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kết thúc điều trị, nơi điều trị bệnh chuyển, gửi bị hại đến cơ sở tin cậy. Cá nhân, tổ chức thông báo với UBND cấp xã về việc tham gia lập địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư bằng cách gửi văn bản, thông tin trực tiếp hoặc điện thoại. Bác sĩ Phạm Quốc Hùng góp ý pháp luật chỉ nên công nhận duy nhất hình thức văn bản. Bởi thực tế, không ít đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật để thành lập những cơ sở giả tạo. Vì vậy, tính pháp lý quy trình thành lập địa chỉ tin cậy cần bảo đảm tuyệt đối. Văn bản chính là chứng cứ vững vàng nhất nếu có sự cố xảy ra.
Dự án luật gồm 6 chương với 62 điều. Trong đó, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung 42 điều trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều, bỏ 3 điều.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)