Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đa dạng văn hóa, với trên 100 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đây, đời sống văn hóa tinh thần của bà con đã có nhiều bước tiến đáng kể nhờ sự nỗ lực của người dân và sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, địa phương. Đặc biệt, văn hóa Khmer ở đây đã trở thành nét bản sắc của vùng đất, với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống được phục hồi và phát triển.
Đời sống ngày càng được nâng cao là điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer thụ hưởng văn hóa tinh thần tốt hơn. Nhiều lễ hội văn hóa, nghi thức tôn giáo được gìn giữ, trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo. Một số lễ hội nổi tiếng như Lễ Chôl Chnaam Thmây (mừng năm mới), Sen Đôn-ta (lễ cúng ông bà), Oóc Om Bóc (lễ cúng trăng), lễ nhập hạ, xuất hạ… Lễ hội đua ghe ngo (thành phố Cần Thơ), đua bò truyền thống (tỉnh An Giang) thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài địa phương đến theo dõi, cổ vũ.
Không chỉ có lễ hội, mà những ngôi chùa với những kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cũng là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đến với các ngôi chùa Khmer, du khách có thể tìm hiểu một số tập tục được gìn giữ bao đời nay như Lễ dâng cơm, Lễ Kathina (Lễ dâng y cà sa), tục gửi con vào chùa tu học giáo lý Phật pháp, học làm người…
Văn hóa Khmer Nam Bộ từ lâu đã trở thành nét bản sắc của vùng đất Cần Thơ. Với sự độc đáo và giá trị văn hóa đặc sắc, đây chính là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển loại hình du lịch văn hóa, góp phần đưa Cần Thơ trở thành một trong những điểm đến nổi bật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lâm Hoàng Mẫu, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Cần Thơ, cho biết mỗi ngôi chùa Khmer đều là nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào tại địa phương. Đây không chỉ là nơi lưu giữ giá trị tâm linh, mà còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật độc đáo.
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Tây Nam Bộ đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, trong đó, đặc biệt quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, các thiết chế văn hóa – thể thao, trang thiết bị hỗ trợ sinh hoạt văn nghệ, thể thao ở các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa hoàn thiện, còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa của người dân. Nhiều loại hình văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Khmer đang có dấu hiệu bị lãng quên.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, các cấp, các ngành cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer, đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng.