Cuộc khảo sát được tiến hành với khoảng 30.000 người trên 20 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2022. Kết quả cho thấy năm 2021 là năm bùng nổ với tiền điện tử, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển.
“Brazil và Indonesia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ sở hữu tiền điện tử với 41% số người được hỏi cho biết đang nắm giữ loại tiền này, so với 20% ở Mỹ và 18% ở Anh” – kết quả khảo sát của Gemini cho biết.
Mỏ khai thác tiền điện tử tại Nhà máy Scrubgrass ở Kennerdale, Pennsylvania – Mỹ. Ảnh: Reuteurs
Có tới 79% chủ sở hữu tiết lộ lý do họ đầu tư vào tiền điện tử là vì tiềm năng dài hạn, số còn lại khẳng định họ chọn tiền số vì sợ lạm phát – lý do này nhiều nhất ở Indonesia với 64%. Thực tế, đồng rupee của Ấn Độ đã giảm 17,5% so với USD trong 5 năm qua, trong khi đồng rupiah của Indonesia giảm giá 50% so với USD từ năm 2011 – 2020.
Khảo sát mà Gemini vừa công bố cũng cho thấy chỉ 7% trong số những người hiện không sở hữu tiền điện tử cho biết họ có ý định mua nó vào một thời điểm thích hợp nào đó.
Bitcoin hiện được xem là đồng tiền điện tử phổ biến nhất, đạt đỉnh là hơn 68.000 USD/ Bitcoin vào tháng 11-2021, giúp đẩy giá trị thị trường tiền số lên 3.000 tỉ USD. Tuy nhiên, CoinGecko, công ty tổng hợp dữ liệu tiền mã hóa độc lập lớn nhất thế giới, nhận định giá Bitcoin được giao dịch trong phạm vi ổn định hẹp từ 34.000 USD đến 44.000 USD/Bitcoin trong suốt năm 2022.
Bitcoin hiện vẫn được xem là phổ biến nhất trong các loại tiền điện tử. (Ảnh: Adobe)
Lượt tải ứng dụng tiền số cũng tăng mạnh trong năm 2021 theo nền tảng phân tích Adjust và nhà cung cấp dữ liệu ứng dụng Apptopia. Cụ thể, lượt tải các phần mềm liên quan tiền điện tử đã tăng 902% trong quý IV/2021 so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng nhiều nhất là Mỹ (645%), châu Á – Thái Bình Dương (475%), châu Âu, Trung Đông và châu Phi (284%), Mỹ Latin (182%).
Số lượng người cài và truy cập ứng dụng tiền số trong năm 2021 cũng tăng 400% so với năm trước. Xét trên mức độ tương tác của người dùng, các ứng dụng tiền điện tử cũng vượt xa các ứng dụng giao dịch chứng khoán ở nhiều chỉ số như thời lượng phiên truy cập, số phiên truy cập trên mỗi người dùng mỗi ngày hay tỷ lệ duy trì và mức độ gắn bó.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)