Một phụ nữ giấu tên ở quận Chandrapur, Maharashtra (Ấn Độ) kể với Times of India rằng dân làng đã trốn trong nhà suốt nửa giờ vì sợ vật thể lạ phát nổ. Tuy nhiên may mắn là nó không nổ và cũng không ai bị thương tích bởi chiếc vòng kim loại bí ẩn đã hạ cánh xuống một mảnh đất trống trong làng.
Chiếc vòng bí ẩn đường kính 3 mét, nặng hơn 40 kg.
Chiếc vòng kim loại bí ẩn khi đã nguội đi – Ảnh: Twitter
Một quả cầu kim loại đường kính nửa mét cũng được tìm thấy ở một ngôi làng khác trong quận, theo tiết lộ của nhà nghiên cứu vật thể không gian Ajay Gulhane với Press Trust of India. Nhiều thành viên trong nhóm nghiên cứu được cử đến các ngôi làng khác để tìm xem còn nhiều bộ phận tương tự rơi xuống hay không.
Theo Daily Mail, một quan chức của Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cho hay thời điểm xuất hiện của các vật thể là “trùng khớp gần nhất” với thời gian rơi ngược lại Trái Đất của một tên lửa Trung Quốc phóng vào tháng 2 năm 2021.
“Khi các phần thân tên lửa còn sót lại tái nhập khí quyển, các bộ phận của tên lửa như vòi phun, vòng đệm và thùng chứa có thể tác động đến Trái Đất” – một quan chức khác của ISRO giải thích.
Đồng quan điểm, nhà thiên văn học Jonathan McDowell từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian phát biểu trên Twitter rằng chiếc vòng kim loại này phù hợp với một mảnh của tên lửa Long March 3B của Trung Quốc.
Tên lửa Long March 3B – Ảnh: Xinhua/Rex
Các mảnh vỡ tên lửa tạo ra một lượng nhiệt lớn và ma sát khi đi vào bầu khí quyển, có thể bốc cháy và tan rã hoàn toàn, nhưng một số mảnh lớn có thể không được phá hủy.
Vào năm 2020, các mảnh vỡ từ một tên lửa Long March khác của Trung Quốc cũng từng rơi xuống Bờ Biển Ngà, gây ra thiệt hại về nhà cửa nhưng không có thương vong.
Vào ngày 4-3, một mảnh rác vũ trụ nặng 3 tấn, được cho là tên lửa của Trung Quốc, cũng đâm vào mặt tối của Mặt Trăng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)