Trang chủ Đời sốngSức khỏe Bệnh viện điều trị thành công ca sốt rét ngoại lai từ Cameroon

Bệnh viện điều trị thành công ca sốt rét ngoại lai từ Cameroon

bởi Linh

Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium và lây truyền qua vết đốt của muỗi Anopheles. Mới đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã điều trị thành công một trường hợp sốt rét ngoại lai trở về từ Cameroon, một quốc gia ở Tây Trung Phi.

Ông V.Đ.H., 42 tuổi, trú tại An Hòa, Hải Phòng, là bệnh nhân vừa trở về Việt Nam sau một chuyến công tác ngắn hạn tại Cộng hòa Cameroon. Ngay sau khi về nước, ông xuất hiện các triệu chứng điển hình của sốt rét như sốt cao, rét run từng cơn, đau đầu và mệt mỏi toàn thân.

Qua khám xét và khai thác bệnh án, các bác sĩ xác định ông H. đã sống và làm việc lâu dài tại Cameroon, nơi ông đã nhiều lần mắc sốt rét. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông phát bệnh khi đang ở Việt Nam sau một đợt công tác ngắn ngày.

Kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện cho thấy ông H. nhiễm Plasmodium falciparum, một loại ký sinh trùng gây sốt rét ác tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, suy tạng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

May mắn, ông H. đã được điều trị đúng phác đồ sốt rét của Bộ Y tế và hiện sức khỏe đã ổn định, các triệu chứng lâm sàng đã cắt hoàn toàn.

Theo TS.BS.CKII Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Thường trực phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, trường hợp của ông H. là một ví dụ điển hình của sốt rét ngoại lai, tức là nhiễm ký sinh trùng tại nước ngoài nhưng phát bệnh sau khi đã nhập cảnh về Việt Nam.

Ở Việt Nam, sốt rét đang ở giai đoạn tiến tới loại trừ. Tuy nhiên, muỗi Anopheles, véc-tơ truyền bệnh vẫn tồn tại ở nhiều khu vực như miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng gia tăng, các ca bệnh sốt rét nhập cảnh nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời có thể trở thành nguồn lây lan nguy hiểm trong cộng đồng.

Để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng, bác sĩ Trần Huy Thọ khuyến cáo người dân khi đi công tác, lao động hay làm việc tại các quốc gia có dịch sốt rét cần tìm hiểu kỹ tình hình dịch tễ nơi đến, tuân thủ việc uống thuốc phòng theo hướng dẫn của bác sĩ, mang theo màn chống muỗi, thuốc xua muỗi và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác.

Khi ở vùng dịch, người dân nên ngủ màn tẩm hóa chất, tránh bị muỗi đốt vào ban đêm, mặc quần áo dài tay và sử dụng kem chống muỗi. Sau khi trở về Việt Nam, người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe trong ít nhất 30 ngày, và nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, rét run, vã mồ hôi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và làm xét nghiệm sốt rét, đồng thời cung cấp đầy đủ lịch sử đi lại để hỗ trợ chẩn đoán.

Chỉ tính riêng trong hai tuần đầu tháng 6/2025, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận và điều trị 4 ca sốt rét ngoại lai. Tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có 8 trường hợp tương tự được điều trị khỏi tại đây. Tất cả đều là những bệnh nhân trở về từ các quốc gia có lưu hành sốt rét.

Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời và kiểm soát dịch tễ đóng vai trò then chốt trong nỗ lực giữ vững thành quả loại trừ sốt rét tại Việt Nam. Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây qua vết đốt của muỗi Anopheles nhiễm ký sinh trùng Plasmodium. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, sốt rét có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như thiếu máu nặng do vỡ hồng cầu, tổn thương thần kinh trung ương dẫn đến hôn mê, suy gan, suy thận, phù phổi cấp và hạ đường huyết gây tử vong, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai.

Có thể bạn quan tâm