Ngày 29-3, Ban quản lý dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (chủ đầu tư dự án Bệnh viện Vũng Tàu) cung cấp thêm các thông tin liên quan đến dự án bệnh viện này trong bài viết “Lạ lùng bệnh viện 1.100 tỉ đồng nhưng… rất nhiều cái “không”” mà Báo Người Lao Động đã thông tin trước đó.
Theo ông Trần Thanh Tịnh, Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án Bệnh viện Vũng Tàu được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt vào năm 2010, sau đó điều chỉnh tổng mức đầu tư (chưa bao gồm trang thiết bị y tế) gần 1.100 tỉ đồng.
Công trình được thiết kế bởi một Công ty Hàn Quốc và được giám sát bởi Công ty tư vấn kiểm định xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bên ngoài Bệnh viện Vũng Tàu
Ông Tịnh khẳng định dự án được xây dựng bảo đảm chất lượng và toàn bộ đều thi công theo đúng thiết kế được phê duyệt. Ban này cũng đã thực hiện bàn giao các hạng mục cho lãnh đạo các khoa của bệnh viện từ tháng 6-2021, đến tháng 8-2021 bệnh viện được trưng dụng làm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Trong quá trình thực hiện dự án, vào năm 2019 theo góp ý của lãnh đạo bệnh viện, chủ đầu tư đã chỉnh sửa theo đúng yêu cầu. Kể từ thời điểm đó tới khi nhận bàn giao không nhận được phản hồi nào từ phía bệnh viện” – ông Tịnh cho hay.
Theo hồ sơ chủ đầu tư cung cấp thì ngay thiết kế ban đầu của dự án đã bộc lộ nhiều bất cập như cửa không có ô kính quan sát, theo dõi bệnh nhân; các phòng vệ sinh khoa sản không có cửa mà chỉ có rèm che; các phòng thủ thuật như phòng rửa dạ dày, phòng tiểu phẫu, khoa cấp cứu không có cửa; thiếu nhà vệ sinh cho nhân viên; không có hệ thống máy nước nóng cho nhà tắm nhân viên; không có máy điều hòa để bảo quản thuốc…
Theo thiết kế của dự án ổ điện thoại được cấp đến từng phòng khoa làm việc, tuy nhiên trong hồ sơ thiết kế không có hệ thống điện thoại để bàn và dây nối từ ổ đến điện thoại. Hiện Bệnh viện Vũng Tàu đang tận dụng hệ thống điện thoại cũ để liên lạc.
Nhà vệ sinh trong khoa sản với thiết kế không cửa, hiện rèm che cửa vẫn đang đặt hàng
Ông Trần Thanh Tịnh khẳng định các đơn vị thi công đã làm theo đúng thiết kế nhưng vẫn có một số thiếu sót và sau khi báo chí phản ánh, ngày 28-3, các đơn vị liên quan gồm chủ đầu tư, đơn vị thi công, Sở Y tế và phía Bệnh viện Vũng Tàu đã họp bàn đi đến thống nhất sẽ bổ sung, điều chỉnh theo đề nghị từ phía Bệnh viện Vũng Tàu.
Trước đó, Báo Người Lao Động đưa tin, Bệnh viện Vũng Tàu cơ sở mới được xây dựng gồm 10 tầng với tiêu chuẩn của bệnh viện hạng 1 gồm 350 giường bệnh. Khi vừa xây xong, bệnh viện này được trưng dụng làm bệnh viện điều trị Covid-19 và ngày 19-3, Bệnh viện Vũng Tàu chính thức chuyển về cơ sở mới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, quá trình sử dụng bệnh viện này bộc lộ nhiều bất cập như không có hệ thống điện thoại nội bộ liên lạc, các y bác sĩ vẫn phải dùng điện thoại cá nhân để liên hệ giữa các khoa, phòng; không có hệ thống bắt số tự động, gọi tên, màn hình hiển thị bệnh nhân vào khám theo thứ tự…
Phòng thủ thuật không có cửa
Tại kho trữ thuốc của Khoa Dược không có máy điều hòa nhiệt độ để bảo quản thuốc nên hiện bệnh viện phải giảm nhiệt độ của máy điều hòa ở quầy phát thuốc xuống rất thấp để hơi lạnh lùa vào kho trữ thuốc.
Đặc biệt, bệnh viện không có kho vật tư chứa hóa chất, sinh phẩm, thiết bị y tế; không có kho để lưu trữ, bảo quản tài liệu bệnh án, hóa đơn chứng từ.….
Theo Chủ đầu tư dự án, đối với phản ánh về kho chứa vật tư, sinh phẩm, theo thiết kế được duyệt tại tất cả các khoa, tầng đều được bố trí 1 phòng chứa dụng cụ vật tư y tế khoảng 18m2 và riêng tại tầng trệt khu vực tiếp nhận bố trí 3 kho với tổng diện tích khoảng 90m2. Tuy nhiên bệnh viện đề nghị tăng thêm diện tích mới đủ lưu trữ kèm theo bổ sung khu nhà ở thân nhân và bếp ăn tình thương. Những nội dung này đã được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và trình UBND tỉnh xem xét.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)