Một số kỹ thuật y học mới vừa được triển khai tại miền Nam mang cơ hội mới đến với người bệnh, mở thêm điểm sáng cho nền y học nước nhà.
Đỉnh cao mổ thận
Mới nhất là phẫu thuật robot cắt ung thư thận có chồi bướu trong tĩnh mạch chủ bụng lần đầu tiên tại Việt Nam vừa được Bệnh viện (BV) Bình Dân TP HCM triển khai thành công. Ca bệnh đầu tiên là người đàn ông 73 tuổi ở TP HCM, được chẩn đoán ung thư tế bào thận, sau đó phát hiện có chồi bướu đi vào lòng tĩnh mạch thận và một phần tĩnh mạch chủ. Đầu tháng 7-2022, các bác sĩ BV Bình Dân xác định bướu đã bít kín lòng tĩnh mạch chủ bụng và lấn sang một phần tĩnh mạch thận trái.
Kỹ thuật về sinh học phân tử phát hiện ra bệnh sớm vừa được triển khai tại Bệnh viện Chợ Rẫy
TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho biết sau hội chẩn kỹ nhiều chuyên khoa, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot cắt bỏ bướu thận. Sau phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe ổn định.
Theo giới chuyên gia tiết niệu, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4%-10% các trường hợp ung thư thận. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình của người bệnh là 5 tháng. Khi người bệnh được phẫu thuật cắt thận và lấy chồi bướu trong lòng tĩnh mạch thì tỉ lệ sống sau 5 năm trung bình là 64%.
Phẫu thuật lấy chồi bướu trong lòng tĩnh mạch chủ là phẫu thuật đỉnh cao của phẫu thuật ngoại tiết niệu. Tại Việt Nam từ trước đến nay bệnh này chỉ can thiệp điều trị bằng phương thức mổ mở. Với thành công của ca phẫu thuật nội soi robot, có thể nói BV Bình Dân đã hoàn thiện được tất cả các phẫu thuật khó nhất trong chuyên ngành ngoại tiết niệu, đồng thời tiệm cận với các nước trong khu vực và thế giới về kỹ thuật phẫu thuật nội soi với đường mổ nhỏ, ít đau, hạn chế mất máu, hồi phục sớm và rút ngắn thời gian nằm viện.
Giải mã gien tìm ra bệnh sớm
Tại BV Chợ Rẫy cũng vừa triển khai kỹ thuật về sinh học phân tử phát hiện ra bệnh sớm. ThS-BS Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Khoa Huyết học – BV Chợ Rẫy, cho biết từ năm 2016, khoa chuyên thực hiện các kỹ thuật về sinh học phân tử di truyền, như các xét nghiệm nhiễm sắc thể, phát hiện đột biến gien bằng kỹ thuật PCR…
Theo BS Hà, các xét nghiệm này trước đây chủ yếu để phục vụ điều trị các bệnh lý huyết học cùng một số chuyên ngành ung thư. Năm nay nhiều kỹ thuật mới về sinh học phân tử, di truyền được triển khai nhằm thực hiện các xét nghiệm mở rộng về bất thường gien, không chỉ phục vụ điều trị các bệnh lý huyết học, ung thư mà còn nhằm phát hiện, điều trị nhiều dạng bệnh lý khác mà trước nay thường bị bỏ sót trong chẩn đoán.
Cụ thể 3 kỹ thuật mới này là giải trình tự gien bằng phương pháp Sanger, giải trình tự gien thế hệ mới (NGS) và vi giọt kỹ thuật số. Trong đó, kỹ thuật vi giọt kỹ thuật số chính là kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
“Các kỹ thuật mới về sinh học phân tử sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Đối với cộng đồng, kỹ thuật mới cho phép xét nghiệm, sàng lọc, tư vấn để phát hiện những bất thường về gien có thể dẫn đến ung thư, qua đó giúp phát hiện sớm và điều trị sớm các bệnh về ung bướu. Đối với những bệnh nhân đã mắc ung thư, những xét nghiệm giải trình tự gien có thể giúp xác định các tổn thương đặc hiệu mà các kỹ thuật xét nghiệm thông thường không thể xác định được. Với những bệnh nhân đang điều trị, đặc biệt là điều trị bằng thuốc nhắm đích, các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ theo dõi được tồn lưu tối thiểu bằng định lượng gien, qua đó đánh giá mức độ đáp ứng điều trị. Đây cũng là một cơ sở để bác sĩ cho bệnh nhân ngưng thuốc, mang lại những lợi ích về kinh tế, sức khỏe, đồng thời giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân” – ThS-BS Hoàng Thị Thúy Hà nhấn mạnh.
Sỏi mật không còn là vấn đề
Tại miền Nam, sử dụng máy DSA trong tán sỏi qua da điều trị sỏi đường mật được BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ mở màn cũng là nét mới góp thêm một điểm sáng cho y học nước nhà. Ca đầu tiên được loại bỏ hoàn toàn sỏi mật phức tạp là bệnh nhân L.K.H (ngụ TP Cần Thơ).
Ông H. bị sỏi kẹt đoạn cuối ống mật chủ. Tuy nhiên, qua thực hiện các cận lâm sàng khảo sát, bác sĩ xác định không thể áp dụng biện pháp nội soi mật tụy ngược dòng như thông thường để xử trí sỏi (gắp sỏi) đoạn cuối ống mật chủ. Ông H. được can thiệp bằng phương pháp nội soi đường mật PTBD (dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da) có sử dụng tia laser bắn phá sỏi dưới hướng dẫn của DSA mà không cần phẫu thuật. Nhờ công nghệ chụp ảnh số hóa xóa nền hỗ trợ can thiệp, khối sỏi kẹt vị trí đoạn cuối ống mật chủ được tán vỡ hoàn bằng tia laser, sau đó được giải phóng khỏi đường mật.
Theo TS-BS Lê Nguyên Khôi (chuyên gia ngoại khoa), có nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý sỏi đường mật và các biến chứng của nó. Tuy nhiên, đối với một số tình huống đặc biệt thì ưu tiên hàng đầu là chọn lựa dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da để tiến hành nội soi đường mật tán sỏi. Phương pháp này vừa có thể giải quyết biến chứng viêm đường mật, vừa có thể xử lý sỏi và hạn chế tối đa các rủi ro và nguy cơ cho bệnh nhân.
Nội soi đường mật qua PTBD có sử dụng tia laser bắn phá sỏi dưới hướng dẫn của DSA là một kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại miền Nam. Lợi ích của kỹ thuật này là xử lý bệnh lý sỏi đường mật mà không cần phẫu thuật nhất là đối với các đối tượng mà chỉ định phẫu thuật mang lại nhiều rủi ro. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng xử lý tốt toàn bộ các nhánh đường mật có sỏi dưới hướng dẫn của DSA, bởi phẫu thuật viên dễ dàng định hình vị trí và giải phẫu đường mật để có thể tiếp cận khu vực có sỏi nhanh nhất.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)