Sáng 7-4, Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam đã công bố nghị quyết của Hội đồng trường về việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam kiêm Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh trực thuộc Học viện.
Nhận nhiệm vụ mới, ông Lê Mạnh Cường hứa phấn đấu, nỗ lực không ngừng thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch đưa ra, cùng lãnh đạo Học viện, Bệnh viện thực hiện mục tiêu đưa Học viện, Bệnh viện Tuệ Tĩnh ngày càng phát triển.
Ông Lê Mạnh Cường (thứ 2 từ trái sang) là tân Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, trước đó, từ tháng 5-2021 đến tháng 11-2021, gần 160 y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ nhận được 50% lương cơ bản, tương đương từ 1-3 triệu đồng/tháng. Riêng tháng 12-2021, toàn bộ nhân viên tại bệnh viện không được nhận bất cứ đồng lương nào.
Quá bức xúc nên đầu tháng 1-2022, kết thúc giờ làm việc, hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh xuống trước cổng bệnh viện căng băng-rôn, biển hiện cầu cứu dư luận lên tiếng bảo vệ quyền lợi của y bác sĩ, nhân viên bệnh viện.
Sau thời điểm đó, cơ quan chủ quản của Bệnh viện Tuệ Tĩnh là Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, thanh toán hết số tiền nợ lương cho nhân viên y tế.
Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh căng căng băng-rôn cầu cứu vì lại bị nợ lương
Tuy nhiên, đến chiều 21 và 22-3 vừa qua, sau giờ nghỉ làm, hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục căng băng-rôn cầu cứu vì lại bị nợ lương. Nội dung băng-rôn gây chú ý người qua đường với các nội dung: “Chúng tôi không muốn ăn xin từng tháng”, “Người lao động bị nợ lương kết quả từ những lời hứa không lời kết của lãnh đạo”; “Khẩn cầu Chính phủ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người lao động”…
Sau đó, gần 160 cán bộ, nhân viên đã được Bệnh viện Tuệ Tĩnh chi trả tiền nợ lương tháng 2 và tháng 3-2022.
Ngoài giải quyết vấn đề lương tháng 2, 3 cho nhân viên y tế, lãnh đạo Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cũng cho biết để tránh tình trạng nợ lương nhân viên, bệnh viện phải cơ cấu lại mọi mặt, kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự của bệnh viện để có nguồn thu một cách tự chủ, đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế.
Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo khối ngành sức khoẻ trình độ đại học (trong đó có ngành y học cổ truyền, y khoa, dược học), sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y, dược; khám chữa bệnh, phát triển hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Học viện là cơ sở lớn nhất cả nước về lĩnh vực đào tạo nhân lực y học cổ truyền. Học viện hiện đang đào tạo hơn 5.400 học viên, sinh viên, trong đó có gần 5.000 sinh viên các ngành y học cổ truyền, y khoa và dược học và 461 học viên sau đại học (tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú).
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)