Gần đây, một số bệnh viện (BV) trên địa bàn TP HCM tiếp nhận những ca nhiễm độc nặng do lạm dụng thuốc, trong đó nhiều người đổ bệnh vì dùng thuốc Đông y tăng cường sinh lý thường xuyên.
Nhiều ca nhiễm độc nặng
Nằm trên giường bệnh điều trị tại BV Chợ Rẫy, ông N.V.Đ với thể trạng đáng thương, khắp cơ thể da dẻ nhăn nheo, nổi đốm sần sùi, bàn tay, bàn chân bị biến dạng. Ông cho biết để cải thiện sinh lý đàn ông, suốt 2 năm qua, ông mua thuốc bổ thận uống. Sau đó, xuất hiện triệu chứng viêm gan nên ông uống đông dược thì bắt đầu bị ngứa mức độ tăng dần từ nhẹ đến nặng, trên người nổi từng đốm mà không biết bị bệnh gì.
Đây chỉ mới là ca điển hình nhiễm độc, không ít trường hợp như thế được chữa trị tại BV này.
ThS-BS Doãn Uyên Vy, Phòng khám Chống độc – BV Chợ Rẫy, cho biết các bệnh nhân nhiễm độc này bị bệnh lý về suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da, hay có ca bệnh bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột. Có những trường hợp nặng hơn, tổn thương nhiều cơ quan cùng lúc, nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê và những tình huống ảnh hưởng quá nặng trên tim, hệ hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.
Ông Đ. đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy để cứu chữa tình trạng nhiễm độc với bàn tay, bàn chân nổi đốm, sần sùi
Trước đó, những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan đến các vấn đề trên, sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên. Bệnh nhân đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân và bệnh cũng không thuyên giảm. Tại BV Chợ Rẫy, sau khi loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân là tất cả đều có sử dụng thuốc đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ…
Theo các bác sĩ, hàng chục năm qua đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận đông dược có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài. Trong các sách đông y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm… Những vị thuốc này có nguồn gốc từ những cục đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân. Do thuốc đông y thường được tự pha chế thủ công hoặc dù được đóng gói hiện đại thì liều lượng cũng thường không đồng đều ở các viên. Thậm chí, có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10-30 lần so với liều trong sách thuốc hướng dẫn.
“Người bệnh sử dụng những loại thuốc đông y này lâu dài sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc từ các kim loại nặng độc hại. Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh” – bác sĩ Vy cho biết thêm.
Hệ lụy nguy hiểm
Theo giới chuyên môn, việc nhiều người rước họa vào thân do dùng thuốc Đông y thiếu kiểm soát thì việc lạm dụng thuốc bổ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm không kém. Theo ThS – dược sĩ Trần Ngọc Phương Minh, Khoa Dược – BV ĐH Y Dược TP HCM, thuốc bổ là tên gọi chung cho các thuốc mà thành phần của nó thường là các vitamin, chất khoáng, axít amin… thường được sử dụng cho trẻ em, người cao tuổi, người có vấn đề sức khỏe… Với quan điểm “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, “hễ bổ là tốt, không nguy hiểm” nên nhiều người dùng thuốc vô tội vạ mà không biết rằng thuốc bổ cũng nguy hại cho sức khỏe nếu dùng quá liều, dùng không đúng cách.
Việc dùng thuốc bổ cũng cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn cũng như có thể gây một số tác dụng không mong muốn đối với người dùng như táo bón, buồn nôn, khó chịu dạ dày (thuốc bổ có chứa sắt), tiêu chảy, quá tải các thành phần khoáng chất, mà nghiêm trọng nhất là quá tải sắt có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ (trong những trường hợp trẻ vô ý uống với lượng rất nhiều). Nghiêm trọng hơn, có thể xảy ra tương tác thuốc với các thuốc đang điều trị của người bệnh như: thuốc điều trị suy tim (digoxin) làm tăng độc tính của thuốc, các kháng sinh như nhóm quinolon hoặc tetracyclin làm giảm hấp thu dẫn đến giảm tác dụng điều trị của thuốc.
Bác sĩ Vy khuyến cáo thuốc đông y hay tây y đều có những độc dược dùng để trị bệnh nhưng khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép, sử dụng trong thời gian rất ngắn và phải theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tùy tiện sử dụng và sử dụng trong thời gian kéo dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ dần các chất độc trong mô, cơ quan, làm tổn thương các mô, cơ quan hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng…
100 trường hợp biến chứng mỗi năm
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới – BV Chợ Rẫy, mỗi năm khoa tiếp nhận và điều trị từ 50-100 trường hợp dị ứng thuốc biến chứng rất nặng từ các BV khác hoặc từ các khoa khác trong BV Chợ Rẫy chuyển đến. Trong đó, khoảng 20-30 trường hợp bị sốc phản vệ, phải can thiệp bằng thở máy, CRT… Khoảng 30-70 trường hợp còn lại cũng dị ứng mức độ nặng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)