Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng hiện nay, nước ta có 5 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng. Thị trường hàng hóa quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 chỉ vào khoảng 11% tổng thị phần hàng hóa quốc tế.
“Với xu thế chung trên thế giới hiện nay là phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng thêm bối cảnh Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có thị trường mục tiêu là các nước phát triển với những phân khúc hàng hóa cần được vận chuyển với thời gian ngắn, mang tính thời vụ cao, việc nước ta có một hãng hàng không chuyên chở hàng hóa do nhà đầu tư trong nước đầu tư sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của logistics hàng không Việt Nam, giúp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa phương thức vận tải hàng hóa và hỗ trợ xuất khẩu nông sản, rau quả tươi” – văn bản do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ký nêu rõ.
Máy bay IPP Air Cargo đã được xuất xưởng chuẩn bị bàn giao
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ, căn cứ vào ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), là cơ quan quản lý chuyên ngành và ý kiến của các Bộ, ngành khác có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho rằng “Việc cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Logistics Việt Nam, phù hợp với mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch Covid-19″.
Để kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý vùng trời, quản lý bay; sau khi cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo, văn bản do Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ký nêu đề nghị Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng (trực tiếp Quân chủng Phòng không-Không quân) quản lý hoạt động bay trong vùng trời theo quy định hiện hành.
Trước đó, ngày 29-3, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét, cho phép bộ này được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho công ty cổ phần IPP Air Cargo..
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hóa giảm mạnh, trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3-4 lần. Thậm chí, có thời điểm, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch Covid-19.
Bộ GTVT cho rằng IPP Air Cargo ra đời sẽ mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Logistics Việt Nam, phù hợp các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Văn phòng Chính phủ ngày 30-7 đã lấy ý kiến các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công an, Quốc phòng về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo để có đủ căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). IPPG là tập đoàn bán lẻ của Việt Nam, do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước với 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết. Đồng thời, IPPG cũng là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.
Công ty cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10-3-2021 do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD; trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
Từ tháng 9-2021, Tập đoàn Boeing (Mỹ) đã chào hàng 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỉ USD và lãnh đạo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đã xác nhận sẽ mua 10 chiếc máy bay này.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)