Giới hâm mộ bóng bàn hẳn chưa quên “cú sốc” lớn loại đồng thời 3 tay vợt nam chủ lực Dương Văn Nam, Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh khỏi danh sách đội tuyển tham dự SEA Games 27-2013. Câu chuyện tương tự được tái hiện sau đó 2 năm khi tay vợt nữ số 2 Nguyễn Thị Việt Linh bị loại do xếp chót ở cuộc đấu tuyển chọn nội bộ trước giờ lên đường dự SEA Games 2015.
Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn cũng thừa nhận việc chậm ban hành quy chế tuyển chọn thành viên đội tuyển với quy trình, tiêu chí đầy đủ đã kéo giảm thành tích của bóng bàn Việt Nam ở đấu trường khu vực trong suốt thời gian dài. Việc đội tuyển Việt Nam giành được tấm HCV đồng đội nam tại SEA Games 2017, vô địch nội dung đôi nam tại SEA Games 2019 với những tay vợt tốt nhất được tuyển chọn hết sức công tâm chính là đáp án chính xác, thuyết phục nhất trong việc chọn nhân sự.
Nguyễn Thị Nga (Hà Nội) giữ vai trò chủ lực của tuyển bóng bàn nữ Việt Nam. Ảnh: ĐÔNG LINH
Chuẩn bị cho SEA Games 31 trên sân nhà, bóng bàn Việt Nam sớm thông qua quy trình tuyển chọn vô cùng chặt chẽ – vừa dựa trên cơ sở thành tích của từng VĐV tại giải vô địch quốc gia và giải các tay vợt mạnh toàn quốc 2021 vừa sẽ phải tính toán thông qua kết quả 2 đợt tuyển chọn “vô tiền khoáng hậu” trước ngày đại hội khởi tranh.
Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi thành viên đội dự tuyển hào hứng góp mặt ở giải đấu nội bộ được tổ chức như một giải vô địch quốc gia thu nhỏ với 83 trận đấu diễn ra trong 2 ngày và mỗi tay vợt phải gặp tất cả thành viên của đội theo thể thức vòng tròn. Ngoài việc đua tranh các thứ hạng cao để bảo đảm suất chính thức ở đội tuyển, các tay vợt còn nhắm đến giải thưởng rất cao lần đầu được trao ở giải đấu nội bộ.
Bóng bàn Việt Nam sẽ dự SEA Games 31 với 5 VĐV nam, 5 VĐV nữ. Đội được giao chỉ tiêu 2 HCV ở các nội dung thế mạnh đồng đội nam, đôi nam và đơn nam.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)