Ca sĩ Phúc Tiệp, giảng viên thanh nhạc, Học viện âm nhạc quốc gia Hà Nội, chia sẻ cách đây 3 năm, anh nhận lời tham gia chương trình truyền hình thực tế “Sống ở mỏ” phát trên sóng VTV3. Những ngày có mặt ở Quảng Ninh giúp anh trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và công việc thường nhật của một công nhân mỏ.
Ca sĩ Phúc Tiệp thích đặt mình trước những thử thách
“Mồ hôi chảy ra quyện với bụi than khiến ai nấy đều lấm lem từ đầu xuống chân, cho đến khi ra khỏi hầm lò chỉ còn mỗi hàm răng là trắng. Có điều, tất cả đều rất yêu đời và lạc quan” – Phúc Tiệp kể lại.
Anh quyết định thực hiện một MV ghi lại những hình ảnh đời thực nhất về những người công nhân mỏ và cả trải nghiệm của mình khi sống, làm việc cùng với họ.
NSND Quang Thọ đánh giá MV “Tôi là người thợ lò” của ca sỹ Phúc Tiệp mang hơi thở mới, có sức sống và rất sáng tạo
“Người bình thường mà xuống hầm lò sâu chừng 70 – 80 m và ở trong đó chừng 2 – 3 tiếng là không chịu nổi, phải quay trở lên. Nhưng tôi đã theo chân các công nhân mỏ xuống hầm sâu tới tận 175 m, kinh qua đủ các công việc mà họ làm 8 tiếng mỗi ngày và xúc động rơi nước mắt khi thấu hiểu những hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của những người công nhân” – ca sĩ Phúc Tiệp tâm sự.
NSND Quang Thọ, người từng thể hiện ca khúc “Tôi là người thợ lò” rất thành công đánh giá MV của ca sỹ Phúc Tiệp mang hơi thở mới, có sức sống và rất sáng tạo.
Phúc Tiệp tâm sự anh thích đặt mình trước những thử thách. Ở “Tôi là người thợ lò”, nam ca sĩ muốn khoác cho tác phẩm cũ một chiếc áo mới, còn album nhạc tình “Vết xưa”, nam ca sĩ muốn có sự bứt phá để ghi dấu tên tuổi của mình trong dòng chảy nhạc Việt.
Nam ca sĩ muốn ghi dấu một cuộc chơi trong âm nhạc với “Vết xưa”
Chọn “Mùa hè đẹp nhất,” “Mùa đông sắp đến,” “Cơn mưa phùn” (Đức Huy), “Căn nhà xưa” (Nguyễn Đình Toàn), “Như chiếc que diêm,” “Mắt lệ cho người” (Từ Công Phụng), “Một lần cho tôi gặp lại em,” “Rồi cũng già” (Vũ Thành An)… nam ca sĩ muốn ghi dấu một cuộc chơi trong âm nhạc, giống như một dấu vết để lại. “Khi đã có chỗ đứng nhất định ở dòng nhạc thính phòng, tôi đã nghĩ đến việc mình nên mở rộng màu sắc âm nhạc” – Phúc Tiệp nói.
NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam, chia sẻ ông thấy một con đường mới của Phúc Tiệp, từ chính ca đến tình ca.
“Tôi không sợ mất đi một Phúc Tiệp thính phòng với chất giọng baritone đẹp mà chỉ thấy thêm một Phúc Tiệp mới, một cánh cửa mới cho thấy khả năng đa dạng của anh”- Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)