Những triết lý sống trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn vẫn nguyên vẹn nhưng nó được truyền tải theo một cách rất khác: trẻ trung, hiện đại. Đó là một trong những cách làm mới nhạc cũ của người trẻ.
Lạ lẫm nhưng đặc sắc
Những chất liệu âm nhạc quen thuộc khi được thể hiện bằng phong cách mới khiến ca khúc cũ ấy trở nên lạ lẫm nhưng đặc sắc. Ca khúc “Diễm xưa” quen thuộc của Trịnh Công Sơn đã được biến tấu sinh động hơn, kết hợp với ánh sáng và phần múa đương đại khiến người xem như trôi vào một thế giới mộng mơ, đầy yêu thương, trìu mến. Một phiên bản khác của “Cũng sẽ chìm trôi” với phần thể hiện đẹp mắt của các vũ công trẻ mang đến cho người xem sự pha trộn đa cảm xúc, có chút tiếc nuối, nhớ thương nhưng vẫn ngập tràn hy vọng vào tương lai.
Ðược nhiều khán giả trẻ mến mộ thông qua dự án “Trịnh Contemporary”, rapper Hà Lê luôn có mặt trong những đêm nhạc Trịnh thời gian gần đây. Ca khúc “Huế – Sài Gòn – Hà Nội” hay “Ở trọ” với phần biểu diễn của Hà Lê thật lạ nhưng cũng vô cùng thú vị. Vui tươi, trẻ trung nhưng vẫn bảo đảm được tính triết lý sâu sắc của từng tác phẩm nhạc Trịnh, là điều ai cũng cảm nhận rõ khi thưởng thức các phần trình bày từ trên mạng đến ngoài đời của rapper này.
Làm mới nhạc Trịnh, đưa nhạc Trịnh đến gần với khán giả hiện đại đang là trào lưu tạo được hiệu ứng lan tỏa tốt. Nhạc Trịnh không còn giữ màu xưa cũ của thời gian mà những triết lý sống trong ca từ, những giai điệu quen thuộc nay được nhiều nghệ sĩ trẻ làm mới theo cách rất riêng. Nhạc Trịnh trẻ hơn, sống động hơn nhưng vẫn đủ đẹp để bao người say mê.
Mới đây, ca sĩ Minh Thu đã gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu nhạc khi phát hành album “Đồng đội”. 12 ca khúc quen thuộc đã đi vào trái tim bao thế hệ như “Ngày mai anh lên đường” (Thanh Trúc), “Em vẫn đợi anh về” (Hoàng Hiệp), “Chút thơ tình của người lính biển” (thơ Trần Đăng Khoa, nhạc Hoàng Hiệp), “Một đời người một rừng cây” (Trần Long Ẩn), “Vết chân tròn trên cát” (Trần Tiến), “Hát về anh” (Thế Hiển)… đã được Minh Thu trẻ hóa bằng acoustic để gần gũi hơn với giới trẻ, cùng mong muốn không chỉ lớp người đi trước mới say mê với những nhạc phẩm này mà ngay cả thế hệ Gen Z cũng yêu thích.
Nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh cho rằng: “Đồng đội là một album mà người lớn tuổi sẽ muốn nghe để nhớ về một thời tuổi trẻ cống hiến, sáng trong. Và cả người trẻ cũng muốn nghe vì những giai điệu đẹp, quen thuộc lắm nhưng vẫn quyến rũ nhờ sự hòa quyện của các nhạc cụ mộc và giọng ca đầy cảm xúc”.
Ban nhạc Ngũ Cung đã tạo nên những bất ngờ khi xuất hiện trong “Quà tặng thời gian” hay “Giai điệu tự hào”, với những ca khúc “nhạc đỏ” từng được thể hiện thành công bởi các ca sĩ thế hệ trước như: “Hành khúc ngày và đêm”, “Lá đỏ”, “Hò kéo pháo”, “Cung đàn mùa xuân”… nhưng bằng tinh thần mới, trẻ trung, mang dấu ấn đương đại của phong cách rock. Đây được xem như một cách thể nghiệm khá táo bạo để Ngũ Cung đưa nhạc cách mạng đến với khán giả trẻ.
Ban nhạc Ngũ Cung hát “nhạc đỏ” với phong cách rock thu hút khán giả
Sáng tạo để tồn tại
Tìm kiếm một ca khúc hay không dễ nên việc một ngôi sao chỉ có một bản hit (ca khúc được nhiều người biết) không hiếm ở thị trường nhạc Việt. Ngay cả ngôi sao hàng đầu cũng không phải lúc nào cũng có được bản hit. Ca sĩ Phương Thanh cho biết: “Trào lưu cover chính là một giải pháp hiệu quả giải quyết tình thế không thể tìm được ca khúc hay như ý. Thế nhưng, việc hát y sì lại những bản nhạc cũ hiện nay đã lỗi thời, buộc các ca sĩ trẻ phải sáng tạo làm mới ca khúc”.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn đã cover nhạc cũ theo cách thực hiện những video clip hát live (phim ca nhạc hát trực tiếp) ở một địa danh đẹp. Cảnh đẹp, âm nhạc hay, ca sĩ sáng tạo trong kho tàng chất liệu âm nhạc cũ, trào lưu này thu hút được một lượng rất lớn khán giả trẻ.
Hiệu ứng này được khán giả tán dương bởi ca khúc cũ đều là “tài sản” giá trị về chất lượng từ giai điệu đến ca từ. Nếu không được truyền tải bằng một phương thức trẻ trung, gần gũi hơn với thị hiếu thẩm mỹ của khán giả trẻ hiện tại, những ca khúc cũ cũng khó tiếp cận với khán giả trẻ.
Nhiều giọng ca trẻ đã đạt được thành công khi quyết định “làm mới” ca khúc cũ. Họ mạnh dạn lựa chọn dòng nhạc thập niên 1990 – 2000 trong dự án âm nhạc của mình như Đông Nhi, Hòa Minzy, Noo Phước Thịnh… Những bản nhạc ăn khách hàng chục năm trước trở lại thị trường âm nhạc bằng phong cách mới, mang hơi thở thời đại. Một lần nữa, các ca khúc ấy tiếp tục “làm mưa, làm gió”. Biến bài hát nổi tiếng cũ thành mới bằng tư duy âm nhạc hiện đại được đánh giá là cách làm khôn ngoan của các nghệ sĩ trẻ.
Việc tạo dựng dung mạo mới cho ca khúc cũ đã giúp nhiều giọng ca trẻ gặt hái thành công. Nhưng cũng không ít thất bại bởi sự làm mới “méo mó”, phản cảm. Ca sĩ Đức Tuấn cho rằng: “Những bài hát cũ là một di sản văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà công chúng nhiều thế hệ mê say, đắm đuối một ca khúc cũ. Một nghệ sĩ trẻ như tôi là phải giữ gìn, nâng niu, tôn vinh, lan tỏa các giá trị đó cho hôm nay, cho mai sau. “Làm mới” là nâng các giá trị đó lên, không phải làm méo mó nó đi”.
Theo những nhà chuyên môn, biên độ sự sáng tạo trong nghệ thuật nói chung và trong âm nhạc nói riêng là không giới hạn. Tuy nhiên, việc làm mới này chỉ có thể được đón nhận khi đó là các sáng tạo thật sự có ý nghĩa, góp phần tiếp tục tôn vinh giá trị tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm đã được khẳng định, đồng thời chuyển tải được tinh thần của cuộc sống hôm nay vào tác phẩm.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)