Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Năng lượng Lithuania ngày 2-4 cho biết nước này sẽ không còn nhập khẩu khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước. Như vậy, Lithuania trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tuyên bố đảm bảo sự độc lập khỏi nguồn cung ứng của Nga.
Trong khi đó, phát biểu trên đài phát thanh Lavia, ông Uldis Bariss – Giám đốc điều hành Conexus Baltic Grid – cho biết từ ngày 1-4, khí đốt tự nhiên của Nga đã không còn được chuyển tới 3 nước Baltic là Latvia, Estonia và Lithuania. Ông cũng cho biết hiện thị trường khí đốt tại vùng Baltic đang được cung cấp từ các kho dự trữ khí đốt ngầm ở Latvia.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda kêu gọi các nước còn lại của Liên minh châu Âu (EU) làm theo ba nước vùng Baltic. Ông viết trên Twitter: “Kể từ tháng này, không còn khí đốt của Nga ở Lithuania. Nếu chúng tôi làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được”.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Ảnh: High North News
Theo Bộ Năng lượng Lithuania, tất cả khí đốt thiên nhiên cho tiêu dùng nội địa của Lithuania sẽ được nhập khẩu thông qua trạm nhập khẩu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở cảng Klaipeda.
Trước đó, Lithuania thông báo sẽ không cho phép nhập khẩu bất cứ LNG nào của Nga.
Cảng LNG Klaipeda, có tên là Độc lập, khánh thành vào năm 2014 để chấm dứt tình trạng độc quyền cung cấp khí đốt của Nga mà tổng thống khi đó là bà Dalia Grybauskaite xem như là “mối đe dọa sống còn” đối với nước này. Tuy nhiên, Lithuania không chấm dứt việc vận chuyển khí đốt của Nga tới vùng Kaliningrad.
Bộ Năng lượng Lithuania cũng lưu ý việc rời bỏ nguồn cung ứng của Nga có nghĩa là nước này không cần phải đáp ứng đòi hỏi của Nga thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda dự họp ở Anh hồi tháng 3. Ảnh: Reuters
Động thái diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách tận dụng vị thế của Nga như một cường quốc năng lượng. Với nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế chưa từng có, Nga yêu cầu “những quốc gia không thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Các nước bị Nga coi là thiếu thân thiện gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Ngày 31-3, ông Putin nói rằng các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện.
Trong khi Mỹ đầu tháng trước quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, EU vẫn duy trì các hợp đồng mua khí đốt từ Nga. Hiện tại, Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Ý và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)