Đừng giao dịch theo các tin tức giật gân, chuẩn bị đủ tiền mặt trong ngắn hạn và liên tục đánh giá lại ngưỡng chịu đựng rủi ro của bạn.
Với việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, chỉ có một điều chắc chắn: Đó là không ai biết chính xác mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào. Đến nay, các thị trường tài chính vẫn chưa quá chật vật. Chứng khoán Mỹ lao dốc trong tuần đầu tiên xung đột Nga – Ukraine nổ ra, nhưng gần đây đã hồi phục phần nào. Tuy nhiên, các thị trường vẫn có thể biến động bất kỳ lúc nào.
“Rất khó để gọi tên sự kiện lần này”, chuyên gia tài chính cá nhân Mari Adam cho biết trên CNN, “Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra”. Nếu lo ngại biến động địa chính trị lần này ảnh hưởng tiêu cực đến các khoản tiết kiệm và đầu tư của mình, đây là các cách để bạn đánh giá và ngăn thua lỗ.
Đừng giao dịch khi thấy các tin giật gân
Nhân viên đếm đôla Mỹ trong một quầy đổi tiền ở Ai Cập. Ảnh: Reuters
Vài ngày qua, giá dầu và lương thực tăng vọt trước thông tin về các vụ tấn công, khả năng chiến tranh thế giới hay vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, lịch sử chỉ ra các quyết định tài chính được đưa ra theo cảm xúc trước các sự kiện lớn thường khiến bạn thiệt hại trong dài hạn.
Khi nhìn lại các cuộc chiến và đợt khủng hoảng của thế kỷ trước, bạn sẽ thấy chứng khoán thường phục hồi nhanh hơn dự kiến. Thậm chí,tính trung bình thì còn có diễn biến khá tốt. Ví dụ, từ khủng hoảng tài chính năm 2008, chỉ số S&P 500 đã tăng trung bình 11% mỗi năm cho đến năm ngoái, theo dữ liệu của First Trust Advisors.
Năm tệ nhất giai đoạn đó là 2008, khi thị trường giảm 38%. Tuy nhiên, trong phần lớn các năm sau đó, chỉ số này đều tăng. Có tới 4 năm mức tăng dao động 23% – 30%.
“Kiên trì theo thị trường sẽ khiến bạn đau tim, nhưng lại là lựa chọn tốt nhất cho danh mục đầu tư của bạn”, Rob Williams – Giám đốc phụ trách kế hoạch tài chính, lương hưu và quản lý tài sản tại Charles Schwab cho biết.
Dĩ nhiên, chúng ta không coi nhẹ các lời đe dọa tấn công hạt nhân hay khả năng lần này diễn biến khác lịch sử. Nhưng nếu mọi chuyện thực sự diễn ra như vậy, “bạn sẽ có nhiều thứ để lo hơn là danh mục đầu tư đấy”, Williams cho biết.
Chuẩn bị đủ nhu cầu tiền mặt trong ngắn hạn
Việc này luôn cần thiết, và đặc biệt đúng khi đối mặt với các sự kiện lớn ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nó sẽ đảm bảo bạn có đủ tài sản thanh khoản cho các nhu cầu khẩn cấp nhất.
Bạn sẽ có đủ tiền để trả thuế, các khoản chi khẩn cấp bất ngờ hay các khoản lớn định kỳ, như học phí hay tiền trả góp nhà. Đây sẽ là việc làm thông minh nếu bạn gần đến, hoặc đang trong thời kỳ nghỉ hưu, Williams cho biết.
Williams cũng khuyên bạn chuẩn bị sẵn tiền cho các công cụ có mức biến động thấp, như các quỹ đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn. Việc này sẽ giúp bạn vượt qua các biến động thị trường và cho các khoản đầu tư có thời gian để phục hồi.
Đánh giá lại khả năng chịu rủi ro của bạn
Khi chỉ số chứng khoán liên tục lập đỉnh, bạn sẽ liều lĩnh hơn. Nhưng bạn phải luôn chuẩn bị cho thời kỳ biến động khi đầu tư dài hạn.
Vì thế, hãy đánh giá lại danh mục để đảm bảo chúng vẫn khớp với khả năng chịu đựng rủi ro của bạn cho các thử thách sắp tới. Hãy định nghĩa thế nào là “mất tiền”.
Ví dụ, nếu bạn để tiền trong tài khoản tiết kiệm, lãi suất bạn nhận được rất có khả năng thấp hơn lạm phát. Vì thế, dù bạn giữ được tiền gốc, sức mua của bạn vẫn giảm theo thời gian.
Đầu tư chứng khoán cũng vậy, hãy đặt ra mốc mà bạn cảm thấy thoải mái khi liều lĩnh để đạt lợi nhuận lớn, mà không để lạm phát ăn mòn tiền lãi.
Tái cân bằng danh mục đầu tư
Vì chứng khoán đã tăng mạnh vài năm qua, hiện tại là thời cơ tốt để bạn tái cân bằng danh mục đầu tư nếu đã lâu chưa làm điều này. Ví dụ, bạn có thể đang dồn quá nhiều cho cổ phiếu tăng trưởng. Vì thế, hãy mua thêm các cổ phiếu giá trị, tăng trưởng chậm nhưng trả cổ tức đều đặn.
Đầu tư đều đặn theo giai đoạn
Nếu bạn có một số tiền lớn, ví dụ vừa bán công ty, nhà hoặc tiền thừa kế, tiền thưởng của công ty, bạn có thể băn khoăn nên làm gì với nó. Trong thời kỳ bất ổn hiện tại, Adam khuyên rằng nên đầu tư các khoản nhỏ, định kỳ, ví dụ mỗi tháng một chút, thay vì dùng cả trong một lần.
“Hãy rải khoản đầu tư của bạn ra, vì tình hình tuần này rất có thể sẽ khác tuần sau”, Adam nói.
Đánh giá lại các giả thiết
Vài tháng trước, người ta dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhiều lần năm nay để kiềm chế lạm phát. Nhưng hiện tại, giả thiết này có thể không còn đúng nữa. Trong một phát biểu tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết “Với tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ phải hành động rất cẩn thận”.
Làm tốt nhất trong khả năng
Hãy luôn nhớ: Không ai có lựa chọn hoàn hảo vì chẳng ai có đầy đủ thông tin. Vì thế, hãy thu thập dữ liệu trong khả năng và đưa ra quyết định tốt nhất dựa trên các thông tin đó, điều chỉnh theo mục tiêu cá nhân và khả năng chịu rủi ro của bạn.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)