Thế thì, ta hiểu làm sao với câu “Con dại cái mang”? Cái là từ Việt cổ dùng để chỉ người mẹ. “Cái” này cũng được hiểu theo nghĩa “củ cái” (từ củ này trồng xuống sinh ra nhiều củ con).
Nhằm chỉ về mẹ, không chỉ có từ cái mà còn có dăm từ khác nữa. “Từ điển Việt-Bồ-La” của A. de Rhodes (1651) ghi nhận cách nói của người Việt từ hơn 300 năm trước: “Áng ná: Cha và mẹ”. Về sau từ “ná” đã dần dần chuyển thành “nạ”, ta có thể tìm thấy trong câu “Sẩy nạ quạ tha”; “Đòng đòng theo nạ, quạ theo gà con”… Theo năm tháng, từ “nạ” không còn phổ biến nữa, nếu còn chăng chính là “nạ/ nạ dòng” nhằm chỉ người đàn bà lớn tuổi, đã có chồng. Do không hiểu từ nạ nên người ta đã thay đổi bằng từ khác: mạ, chẳng hạn “Quen nhà mạ, lạ nhà chồng”.
Không rõ, từ lúc nào tiếng “cái” biến mất trong cách gọi về mẹ? Khảo sát từ ca dao, tục ngữ, ta biết ở thế kỷ XVIII vẫn còn xuất hiện: “Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Nếu lấy “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) làm mốc thì ta biết trong thời điểm đó, “cái” không còn dùng để chỉ người mẹ nữa, mà dùng để chỉ… con/ con gái. Ngộ nghĩnh chưa? “Con cái: Con trai và con gái, chỉ dùng cho người”. Cách hiểu này vẫn tồn tại đến nay, thí dụ một người đến chơi, bạn đã hỏi: “Dạo này con cái học học hành thế nào?” là hỏi con trai lẫn còn gái. “Con cái: Con, thế hệ con nói chung: Con cái đã trưởng thành, chăm lo việc học hành của con cái”, theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999).
Đừng tưởng, cái nhằm chỉ con gái như “Từ điển Việt-Bồ-La” ghi nhận, nay đã mất đi. Không đâu. Vẫn còn đó. “Cái” lại dùng để chỉ thân mật bạn bè cùng trang lứa, chẳng hạn: “Kìa, cái X vừa tậu chiếc xe mới”; nhưng gọi “cái con mẹ X” lại hàm nghĩa xem thường, khinh bỉ, miệt thị.
Ngoài ra, cái còn nhiều nghĩa khác nữa. Qua sự liệt kê, giải thích của “Đại từ điển tiếng Việt” (1999), ta đã thấy “cái” đóng vai trò hết sức đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, dám nói rằng các nghĩa của từ cái ấy không thể áp dụng cho từ cái gắn liền với địa danh ở Nam Bộ.
Theo quan điểm của học giả Vương Hồng Sển, với các từ chánh gốc Khmer, Chăm, khi Việt hóa không theo nguyên tắc nào cả: “Khi nào túng chữ, nói theo ngày nay là nghẹt lối thì giản tiện hơn hết là “ban” thêm một chữ “cái” đứng đầu cho nó rặt Việt Nam tỉ như Cái Nứa, Cái Thia, Cái Cối, …” (“Tự vị tiếng Việt miền Nam” – NXB Văn Hóa -1993, tr. 98). Bên cạnh đó, lâu nay cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau khi lý giải từ cái trong trường hợp này nhưng vẫn chưa dẫn tới kết luận cuối cùng…
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)