Dự án đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài có chiều dài 53,5 km, trong đó đoạn qua TP HCM dài 23,7 km, còn lại đi qua tỉnh Tây Ninh. Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện từ năm 2021 – 2025 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng theo hình thức đối tác công – tư. Riêng việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ nguồn vốn ngân sách TP HCM và tỉnh Tây Ninh.
Đường cao tốc này đi qua 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi, nơi đang được chính quyền TP HCM mời gọi các nhà đầu tư đến đóng góp cho sự phát triển khu vực phía Tây Bắc của thành phố.
Có cao tốc là thêm nhiều cơ hội mới
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết sau hội nghị xúc tiến đầu tư giữa tháng 4-2022, huyện tích cực mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh. Điều này nhằm khai thác tiềm năng của huyện, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy quá trình đi lên khu đô thị sinh thái, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…
Cao tốc TP HCM – Mộc Bài khi hoàn thành. (Ảnh do Ban Giao thông cung cấp)
Thế nhưng, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đang quá tải hoặc xuống cấp gây trở ngại cho quá trình trên. Chủ tịch UBND huyện Củ Chi dẫn chứng tuyến Quốc lộ 22 hiện là tuyến giao thông duy nhất kết nối trung tâm thành phố với huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh, thường xuyên ùn tắc vì lưu lượng phương tiện lớn mà đường không tương xứng. Ngoài ra, Tỉnh lộ 15, Tỉnh lộ 8, 7, 9 kết nối huyện Củ Chi với các tỉnh như Bình Dương, Long An, Tây Ninh… đều nhỏ hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng đến giao thương, liên kết vùng.
“Do đó, để thu hút nhà đầu tư, tạo cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực Tây Bắc TP HCM, huyện kiến nghị thành phố đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông trục chính như Quốc lộ 22, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP HCM – Mộc Bài. Đặc biệt, huyện Củ Chi nằm ở cửa ngõ giao lưu quốc tế phía Tây Bắc của TP HCM, nếu tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài hoàn thành thì không chỉ rút ngắn thời gian đi lại từ TP HCM đến Tây Ninh mà còn mở rộng giao thương giữa 2 tỉnh, thành và giao thương với các nước láng giềng” – bà Phạm Thị Thanh Hiền đề xuất.
Tương tự, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, nhấn mạnh đồng bộ hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển. Hệ thống hạ tầng giao thông đi qua huyện Hóc Môn có nhiều tuyến đường đã quá tải so với nhu cầu thực tế. Trong đó, Quốc lộ 22 thường xuyên ùn ứ tại các giao lộ giao với Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Bứa, Dương Công Khi… Tỉnh lộ 15 kết nối với tỉnh Bình Dương cũng nhỏ hẹp, đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa kết nối tỉnh Long An cũng xuống cấp, quá tải, thường xuyên ùn ứ do lưu lượng phương tiện đông.
“Nhiều dự án khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái trên địa bàn huyện được các nhà đầu tư đến tham quan, đánh giá tiềm năng tốt nhưng lại e ngại hệ thống hạ tầng giao thông. Chúng tôi kiến nghị TP HCM sớm đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng khu vực Tây Bắc thành phố, ngoài tuyến Vành đai 3 cần chú trọng triển khai sớm cao tốc TP HCM – Mộc Bài, tuyến Vành đai 4…” – ông Trần Văn Khuyên nói.
Khai thác đồng bộ với Vành đai 3
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM có văn bản kiến nghị UBND TP HCM về việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc TP HCM – Mộc Bài.
Theo Sở GTVT, trong kế hoạch phối hợp triển khai dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài giữa TP HCM và Tây Ninh thì thời gian dự kiến trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9-2021. Tuy nhiên, đến nay việc trình hồ sơ đã trễ so với kế hoạch đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ, Sở GTVT kiến nghị UBND TP HCM xem xét, chỉ đạo về việc thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố khẩn trương tiếp thu ý kiến của các sở ngành, đơn vị để hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định nội bộ. Sở GTVT cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, tham mưu UBND TP HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dự án tiền khả thi trong tháng 5-2022.
Nói về tiến độ dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết UBND TP HCM đang cố gắng cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 5.900 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng, dự kiến trong năm nay sẽ trình HĐND TP có nghị quyết thông qua. Khi có nguồn vốn, hồ sơ sẽ được trình ra Chính phủ và dự kiến giai đoạn 2024-2025 sẽ mời gọi đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công. Những việc này nhằm đưa cao tốc TP HCM – Mộc Bài vào khai thác năm 2026, đồng bộ với đường Vành đai 3.
Kết nối xuyên biên giới
Khẳng định tầm quan trọng của cao tốc TP HCM – Mộc Bài, ông Lương Minh Phúc nói đây là dự án sẽ kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Hiện nay, ngoài TP HCM, tỉnh Tây Ninh cũng rất quyết tâm thúc đẩy đầu tư dự án. Dự án hoàn thành sẽ giảm tải cho trục Quốc lộ 22, là tuyến đường ngắn nhất từ TP HCM đi đến tỉnh Tây Ninh, kết nối không chỉ 2 địa phương này mà còn xuyên biên giới với Lào, Thái Lan khi tạo ra hành lang Đông Tây, hành lang Xuyên Á.
Ngoài ra, điểm đầu cao tốc TP HCM – Mộc Bài nối với đường Vành đai 3 sẽ giúp kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống các tuyến cao tốc liên thông nhau như cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP HCM – Trung Lương, TP HCM – Chơn Thành – Thủ Dầu Một… “Quan trọng hơn hết, tuyến cao tốc này sẽ tạo điều kiện phát triển không gian đô thị mới, kinh tế – xã hội, công ăn việc làm, khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến, tạo nên sức sống mới cho khu vực Tây Bắc thành phố” – ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)