Người thợ cày ở làng Çitli, quận Mecitözü thuộc tỉnh Çorum đã phát hiện ra chiếc vòng hết sức tình cờ. Nhận thấy nó quá đẹp, cũ và nghi ngờ có thể mang giá trị lịch sử, ông đã mang nó đến Bảo tàng Çorum.
Các chuyên gia từ bảo tàng xác định đó chính là báu vật từ nền văn minh Hittite từng ngự trị trên đất Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại, theo tờ Daily Sabah.
Chiếc vòng quý hiếm 3.300 tuổi sáng đẹp sau khi được phục hồi – Ảnh: Bảo tàng Çorum/Daily Sabah
Nhà khảo cổ học Resul Ibiş từ Bảo tàng Çorum cho biết: “Sau những đánh giá ban đầu, chúng tôi nhận thấy đây là mảnh ghép chưa từng có, chúng tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì như thế này trước đây”.
Theo Ancient Origins, tuy đã bị biến dạng và mất một số bộ phận, nhưng chiếc vòng tay có từ thế kỷ thứ 13 trước Công Nguyên vẫn đem đến nhiều thông tin thú vị về nền văn minh Hittite. Rất ít đồ tạo tác từ nền văn minh cổ xưa này còn tồn tại.
Chiếc vòng được chế tác công phu từ vàng, bạc, đồng và niken, trang trí các biểu tượng Hittile đặc trưng. Mặt vàng của chiếc vòng khắc họa nữ thần Hurrian Šauška và các người hầu của bà.
Šauška là nữ thần tình yêu và chiến tranh được người Hittite hết mực tôn kính. Người dân của nền văn minh cổ đại này tin rằng bà còn có khả năng đưa ra các câu thần chú giúp chữa bệnh và phục hồi sức khỏe.
Lý do chiếc vòng mang hình ảnh bà nằm trên đồng ruộng của người Hittite cổ xưa là vì người Hurrian đã ảnh hưởng sâu sắc đến đế chế Hittite, thậm chí sau đó bị đồng hóa vào thời kỳ đồ sắt.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)