Tâm An (tên thật: Nguyễn Lê Bảo Ý) tuy sinh ra nơi phố thị nhưng đã chọn núi rừng để trải nghiệm và trưởng thành. Những tháng ngày sinh sống gần gũi với người Raglai ở Thuận Bắc – Ninh Thuận đã truyền cho anh nguồn cảm hứng sáng tác bất tận.
Các chương sách “Lữ khách”, “Trân trọng”, “Chốn thiền môn”, “Hành trình” và “Tách trà cuối đường” dẫn dắt độc giả phiêu du qua những câu chuyện tuy giản dị nhưng được kể với lối viết mới lạ, nhẹ nhàng, thu hút.
Chất liệu Phật giáo cũng được tác giả lồng ghép một cách khéo léo qua các câu viết, hướng người đọc quay về tìm kiếm sự an yên từ chính bên trong bản thân. Anh viết: “Cầu cho người sẽ đọc được những dòng chữ đơn sơ này, xem nó như một liều thuốc an ủi cho trái tim bị rạn vỡ, vết thương bị rỉ máu trong lòng, những đổ vỡ ngày đã cũ…”
Tác giả Tâm An (bìa trái) và nhà văn Phương Huyền
“Lữ khách ven đường” không hàm chứa những giáo điều, những lý luận trừu tượng mà là góc nhìn nhân sinh quan rất đỗi mộc mạc và an tĩnh, rất dễ hiểu.
Chia sẻ về dòng sách khai tâm đang được giới trẻ đón nhận, Tâm An bộc bạch: “Đọc để chữa lành là phương pháp được nhiều người yêu chuộng. Bởi không phải ai cũng có khả năng tự ngộ, họ cần dựa vào một nền tảng kiến thức, một tư duy, một ý tưởng của người khác để giác ngộ chính mình. Sách chính là nơi truyền tải những hạt mầm chữa lành ấy cho mọi người.”
Cũng tại buổi ra mắt sách, sự xuất hiện của 5 em nhỏ người Raglai với vai trò là bạn đồng hành cùng tác giả đã đem lại nhiều cảm xúc khó quên. Tâm An mong muốn thông qua “Lữ khách ven đường”, độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về một cộng đồng dân tộc đang sinh sống trên đất nước ta và cho các em nhỏ thấy thế giới bao la rộng lớn, vượt qua phạm vi ở buôn làng.
Nhà văn Tống Phước Bảo ví Tâm An như một người kể chuyện tỉ mỉ, cần mẫn bằng những lát cắt đi vào chiều sâu nội tâm. “Lữ khách ven đường” là trải lòng của một người trẻ có tình với con chữ. Anh cũng cho rằng, việc lựa chọn đi theo con đường viết lách của những người trẻ không thể chỉ là đam mê nhất thời mà là cả một chặng hành trình đầy khó khăn, bền bỉ.
“Tâm An từ năm 18 tuổi đã nung nấu ước mơ có sách và giờ đây ước mơ đó đã thành hiện thực. Cuốn sách sâu lắng, đáng đọc và suy ngẫm” – nhà văn Tống Phước Bảo nhận định.
Trong khi đó, nhà văn Thùy Dương – người sáng lập cộng đồng viết tiểu thuyết Ổ Sách – bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy những tác phẩm chất lượng của các tác giả trẻ xuất hiện trên văn đàn.
Từ “Lữ khách ven đường”, nhà văn Thùy Dương mong muốn ngày càng có nhiều hơn những cây viết mang giá trị nhân văn, hạt giống của cái thiện và lòng nhân ái vào trong trang sách, đến gần hơn với độc giả.
“Lữ khách ven đường” mang đến một nguồn năng lượng tươi mới trong cuộc sống, cái nhìn tích cực, bao dung với những người đã và sẽ lướt qua đời mỗi người chúng ta.
Tại buổi ra mắt “Lữ khách ven đường” vào chiều tối 12-6, ông Nguyễn Anh Dũng – người sáng lập Sbooks – thông tin về việc “trở thành bệ đỡ cho các tác giả trẻ”.
Ông Dũng cho biết Sbooks sẵn sàng tiếp nhận và cộng tác với những cây viết trẻ trên mọi miền Tổ quốc. Việc giới thiệu các tác phẩm mang hơi thở trẻ trung là một cách để nâng cao hứng thú của người trẻ đối với sáng tác và văn học Việt, góp phần làm cho thị trường sách phong phú, chất lượng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)