Tính đến nay, TP HCM đã 2 lần gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Ghi nhận thực tế cho thấy nếu thành phố không có chính sách hỗ trợ, phương tiện thay thế hợp lý thì khả năng đến năm 2023-2025 kế hoạch lại tiếp tục… phá sản.
Giá cao, không hợp tình hình thực tế
Cứ đúng 7 giờ sáng, tại góc đường Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Văn Chiêm (quận 1), anh Đặng Văn Quý lại đến từng nhà lấy rác và cho lên chiếc xe tự chế của mình. Anh Quý cho biết anh làm công việc này hơn 2 năm, chủ yếu thu gom rác sinh hoạt của các hộ dân sống trên đường Phạm Ngọc Thạch rồi chở về bãi tập kết rác ở quận Phú Nhuận. Trên chiếc xe tự chế, theo anh Quý, khi rác ít thì mọi thứ rất nhẹ nhàng nhưng khi rác đầy, việc di chuyển khá khó khăn, tiếng xe máy ì ạch, nổ rất to mỗi khi rướn lên phía trước, khiến những người đi xung quanh phải giật mình và bản thân anh cũng thấy ái ngại.
Thế nhưng, khi được hỏi về kế hoạch chuyển đổi phương tiện, anh Quý lại cho hay với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, anh chỉ đủ trang trải cho các khoản chi trong gia đình và bỏ ống heo một ít phòng thân. “Nói thật, có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến việc bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua xe tải để chuyển đổi phương tiện thu gom rác. Bởi mua xe tải phải kéo theo các khoản phí hằng tháng như xăng xe, bảo dưỡng, đăng kiểm định kỳ và thuê người theo phụ xe…” – anh Quý tính toán và kết luận khó mà chuyển đổi được.
Đa số người thu gom rác tại TP HCM chưa chuyển đổi phương tiện chuyên chở. Ảnh: TUYẾT TRINH
Cùng làm nghề thu gom rác trên đường 3 Tháng 2 (quận 10) với chiếc xe tự chế kéo theo thùng phía sau, anh Nguyễn Duy nhẩm tính, với bộ “đồ nghề” hiện tại, anh chỉ mất hơn 16 triệu đồng là đủ “hành nghề”. “Làm nghề rác, thu nhập chỉ đủ đắp đổi, nếu đầu tư xe tải, dù được hỗ trợ vay vốn nhưng cũng phải trả dần, chưa kể đường dây rác của tôi rất ít hộ dân, nếu mua xe tải thì công suất dôi dư. Như vậy coi chừng đổ nợ!” – anh Duy phân trần. Cũng như anh Quý, anh Duy nói với thu nhập hiện tại thì đến hết năm 2025, việc chuyển đổi phương tiện đối với anh là bất khả thi.
Đến “khu Sở Thùng”, phường 11, quận Bình Thạnh, gặp những người thu gom rác, đa số đều khẳng định không dám nghĩ đến việc chuyển đổi phương tiện mới. Chị Trúc, người thu gom rác hơn 10 năm, cho biết ở đây từng có nhiều người vay tiền để mua xe tải nhưng chạy được vài tháng đã bán xe, mua xe tự chế chạy lại. Bởi xe tải có thùng xe thấp, muốn chở rác, chủ xe phải cơi thêm thùng, khi ra đường rất mệt mỏi với CSGT, khi đi đăng kiểm phải tháo thùng; chưa kể nhiều người không biết chữ, không thể học bằng lái xe, phải tốn thêm khoản tiền thuê người lái…
Đề xuất tự thiết kế xe
Theo chị Trúc, nếu có một phương tiện phù hợp túi tiền người dân, dễ di chuyển các hẻm nhỏ, bảo đảm vệ sinh môi trường thì các xã viên sẵn sàng đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, các mẫu phương tiện được giới thiệu chủ yếu là xe tải nhẹ, dù nhỏ nhưng vẫn khó di chuyển vào các con hẻm dưới 1,4 m – chiếm phần lớn trên địa bàn TP HCM.
Theo ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm, hơn ai hết, các HTX hiểu được tính chất công việc cũng như khả năng đầu tư phương tiện của giới thu gom rác. “Bài toán chuyển đổi phương tiện gian nan nhiều năm nay do xe tải chuyển đổi được các hãng xe như Samco, Thaco giới thiệu có giá thành cao so với túi tiền của người thu gom rác (từ 200-240 triệu đồng/chiếc). Kế đến, nhiều hộ thu gom có đường dây rác nhỏ, nếu đầu tư xe thì không đủ chi phí vận hành. Ngoài ra, xe tải khó luồn lách, quay đầu vào các hẻm nhỏ, nhất là các hẻm dưới 1,4 m (chiếm 70% số hẻm ở TP HCM)” – ông Khanh phân tích.
Trước thực tế trên, Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm (gồm 7 HTX thành viên) đã có đơn kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và UBND TP HCM đề xuất được thiết kế mẫu phương tiện thu gom rác để chuyển đổi. Mẫu phương tiện này do HTX Môi trường quận Phú Nhuận đóng xe mẫu, vận hành thử nghiệm. Với mẫu phương tiện tự thiết kế, theo ông Khanh, sẽ giải quyết được những vướng mắc lâu nay, như mẫu xe nhỏ gọn, có thể tiến – lùi, quay đầu trong các hẻm hẹp, sâu và dài dưới 1,4 m; thùng chứa rác thải sinh hoạt và thùng chứa phế liệu kín, không rò rỉ nước rác và bay mùi; màu xe thống nhất, có khẩu hiệu và thông tin HTX quản lý. “Đặc biệt, giá thành xe khoảng 35-50 triệu đồng/chiếc, phù hợp với túi tiền của người thu gom. Lẽ đó, tôi mong đề xuất này sớm nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng. Nếu được chấp nhận, tôi tin rằng người thu gom rác sẽ hưởng ứng, bởi giá thành chấp nhận được và phù hợp với tình hình thực tế” – Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc HTX Vệ sinh Môi trường Thống Nhất, quận Bình Thạnh, cho biết HTX có 210 thành viên với 210 phương tiện thu gom. Đến nay chỉ có 5-6 phương tiện chuyển đổi từ xe ba bánh sang xe tải nhưng chủ xe cũng than lỗ, do chi phí sửa chữa cao. “Mẫu xe của Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm đề xuất khá phù hợp với túi tiền và điều kiện làm việc thực tế của người thu gom. Do đó, tôi kiến nghị các cơ quan liên quan sớm thông qua để tạo điều kiện thuận lợi cho người thu gom rác” – ông Sáng mong mỏi.
Tiếp tục bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn
Cuối tháng 2-2022, UBND TP HCM thống nhất đề xuất của Sở TN-MT về phân kỳ gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo đó, các quận và TP Thủ Đức phải hoàn tất công tác chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn chậm nhất đến hết năm 2023; các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi hoàn tất công tác này chậm nhất đến hết năm 2025. Đồng thời, UBND TP HCM giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo kịp thời cho UBND thành phố xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)