Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào một ngày cuối tháng 3, điểm du lịch dã ngoại biển đảo kỳ thú Hòn Sẹo ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có rất đông du khách đến tham quan, tắm biển, lặn ngắm san hô.
Rạn san hô ở điểm du lịch Hòn Sẹo bị tàn phá dẫn đến chết hàng loạt
Tuy nhiên, sau khi tham gia dịch vụ lặn biển ngắm san hô tại Hòn Sẹo, nhiều du khách tỏ ra thất vọng bởi rạn san hô ở khu vực này gần như chết sạch. Hình ảnh những rạn san hô cứng, mềm lung linh nhiều sắc màu trước đây nay đã không còn nữa. Hệ sinh thái biển khu vực này vốn khá đa dạng, là nơi trú ẩn và sinh sống của nhiều loài thủy hải sản quý nhưng nay chỉ còn lác đác vài con cá bơi lượn quanh những rạn san hô đã chết.
“Dịp nghĩ lễ 30-4 và 1-5 năm ngoái, gia đình tôi có đến Hòn Sẹo tham quan. Lúc đó rạn san hô nơi này vẫn còn sống tốt, nhiều chủng loại, màu sắc lung linh, rất đẹp. Giữa tháng 3 vừa qua, trong đợt du lịch tại Bình Định cùng cơ quan, tôi đưa đồng nghiệp quay lại Hòn Sẹo tắm biển, lặn ngắm san hô thì thật sự sốc khi thấy san hô ở nơi này chết hàng loạt” – chị Phạm Hoài Hảo (du khách đến từ Hà Nội) tiếc nuối.
Du khách tham quan tại điểm du lịch Hòn Sẹo
Theo ông Đinh Văn Bên, chủ doanh nghiệp du lịch biển Leng Keng 2 ở xã Nhơn Lý, mùa hè năm ngoái, đích thân ông đưa nhiều đoàn khách đến tham quan, tắm biển và lặn ngắm san hô tại Hòn Sẹo thì thấy hệ sinh thái biển, trong đó có rạn san hô vẫn sống và phát triển bình thường.
“Sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19, tháng 3 vừa qua, tôi đưa đoàn khách đến Hòn Sẹo tham quan thì phát hiện rạn san hô tại nơi này chết hàng loạt, hệ sinh thái biển ở đây cũng chẳng còn gì. Hiện trạng cho thấy san hô đã bị khai thác trộm trong khoảng mấy tháng gần đây. Lặn biển ngắm san hô là một trong những “đặc sản” của du lịch biển Quy Nhơn mà san hô bị chết tràn lan như thế thì còn gì là “đặc sản” nữa” – ông Bên bức xúc.
Hiện trạng rạn san hô ở Hòn Sẹo trước khi bị “thảm sát”
Theo nhiều ngư dân xã Nhơn Lý, sở dĩ san hô ở Hòn Sẹo bị chết hàng loạt trong thời gian qua là do một nhóm người từ địa phương khác đến nơi này lén lút khai thác trộm vào ban đêm. “Lúc đó, nghĩ họ là du khách đến Hòn Sẹo câu cá, tắm biển, lặn ngắm san hô nên chúng tôi không quan tâm. Sau này, khi đưa du khách đến Hòn Sẹo lặn biển, phát hiện san hô nơi này bị bẻ trụi thì mới biết nhóm người đó đến nơi này để khai thác trộm san hô” – một thợ lặn ở địa phương kể.
Do rạn san hô ở Hòn Sẹo chết hàng loạt khiến hệ sinh thái biển nơi này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, chính quyền địa phương có vẻ như không hay biết gì về việc này.
Lặn ngắm san hô là “đặc sản” du lịch biển Quy Nhơn
Khi phóng viên hỏi về vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Thành Danh tỏ ra khá bất ngờ. “Thú thật, tôi không biết gì về san hô ở Hòn Sẹo bị chết. Thời gian qua, Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản của xã cũng không báo cáo gì về việc này. Xã Nhơn Lý có vùng rạn san hô đa dạng, phong phú với gần 15 ha tại khu vực Hòn Sẹo và Bãi Rạn. Kết quả quan trắc mấy tháng trước cho thấy, san hô tại những khu vực này vẫn đang phát triển tốt, không có dấu hiệu gì bất thường. Về việc báo chí phản ánh san hô chết hàng loạt ở Hòn Sẹo, tôi sẽ cho kiểm tra lại rồi trả lời sau” – ông Danh nói.
Tình trạng san hô chết hàng loạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển khu vực Hòn Sẹo
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho biết chưa nhận được báo cáo từ cấp dưới và cũng không hay biết gì về tình trạng khai thác trộm cũng như việc rạn san hô tại điểm du lịch Hòn Sẹo chết hàng loạt. “Cảm ơn báo chí đã cung cấp thông tin này. Tôi sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan và UBND xã Nhơn Lý khẩn trương phối hợp với Chi cục Thuỷ sản Bình Định kiểm tra hiện trạng rạn san hô tại Hòn Sẹo nói riêng và các điểm du lịch khác ở xã Nhơn Lý nói chung. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ phản hồi với báo chí ngay” – ông Nam nói.
Với diện tích hơn 36.000 ha mặt biển, vịnh Quy Nhơn được đánh giá là nơi có điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các hệ sinh thái, có tiềm năng đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng triều và đáy mềm lân cận. Theo nghiên cứu mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang, vịnh Quy Nhơn có 720 loài thuộc 353 giống và 161 họ của 7 nhóm sinh vật chính, khoảng 152 ha rạn san hô phân bố ven bờ và các đảo. Quanh các rạn san hô còn có 16 bãi giống thủy sản, trong đó có 3 bãi đẻ của mực lá, ốc gai và 13 bãi ươm giống của ghẹ, tôm hùm giống, hải sâm, cá giò, cá mú…
Do tác động của biến đổi khí hậu cùng việc phát triển du lịch và khai thác thủy sản ở địa phương khiến cho rạn san hô tại một số khu vực ven biển Quy Nhơn bị xâm hại. Nhằm bảo vệ tài nguyên biển, phát triển kinh tế thủy sản và du lịch sinh thái bền vững, thời gian qua tỉnh Bình Định đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)