Sáng 28-11, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ. Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ 7 sản phẩm cây ăn trái gồm: xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa và mới nhất là bưởi.
Lô bưởi đầu tiên
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, sau gần 6 năm đăng ký xuất khẩu bưởi sang Mỹ, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Mỹ đã tích cực đàm phán, trao đổi kỹ thuật, nhất là vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật, đến nay Mỹ chính thức nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam.
Cũng theo ông Tam, hiện trong 7 sản phẩm cây ăn trái của Việt Nam được xuất sang thị trường Mỹ thì Bến Tre có 3 sản phẩm là bưởi, nhãn và chôm chôm. Với diện tích trồng bưởi khoảng 10.000 ha, hằng năm cho sản lượng trên 200.000 tấn, tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Nhất là chú trọng đến các đối tượng kiểm dịch thực vật phía Mỹ quan tâm, xây dựng các vùng trồng, tổ chức sơ chế, đóng gói sau thu hoạch bảo đảm đúng quy định.
Những trái bưởi da xanh đầu tiên được xuất sang Mỹ .Ảnh: MINH SƠN
“Việc xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang Mỹ đã mở ra cho nông dân hướng đi mới và hy vọng rằng sẽ có nhiều sản phẩm nữa được tiêu thụ tại Mỹ. Đặc biệt, thời gian tới, để sản phẩm trái cây nói chung và trái bưởi nói riêng tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, tỉnh Bến Tre mong muốn Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành trung ương, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tích cực hơn nữa để trái cây đặc sản của Việt Nam đến được người tiêu dùng thế giới” – ông Trần Ngọc Tam kỳ vọng.
Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ. Riêng đối với thị trường Mỹ đã được cấp 11 mã số với diện tích 156 ha, sản lượng 3.135 tấn/năm. Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu là doanh nghiệp (DN) đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu bưởi Bến Tre sang thị trường Mỹ.
Theo Bộ NN-PTNT, cả nước ta hiện có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Cụ thể, đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000 ha với sản lượng trên 175.000 tấn; trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 253.000 tấn. Riêng ĐBSCL có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn… Đây là cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng tiếp cận thị trường Mỹ.
Niềm vui chung cho cả nước
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Mỹ là một thị trường khó tính vào bậc nhất nhưng họ có nhu cầu nhập khẩu các loại trái cây tươi rất lớn. Để có được những lô bưởi đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch và kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, bảo đảm truy xuất nguồn gốc chính xác.
Ông Nam cho rằng sự kiện xuất khẩu chính ngạch những lô bưởi đầu tiên được tổ chức tại Bến Tre là niềm tự hào không chỉ của người trồng bưởi Bến Tre mà còn là niềm vui chung của người dân trồng quả bưởi trên cả nước.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi xuất khẩu chính ngạch trái bưởi sẽ giúp DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ rộng lớn và cũng là một trong những thị trường khó tính bậc nhất hiện nay; từ đó thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
“Những trái bưởi đầu tiên xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Mỹ ngày hôm nay là minh chứng cho sự chuyên nghiệp và nỗ lực tuân thủ của vùng trồng, cơ sở đóng gói, các DN và các bên liên quan, nhằm xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu bưởi Việt Nam, cùng các nông sản Việt Nam nổi bật trên trường quốc tế. Đây là cơ hội quý giá đối với trái bưởi tươi và tiếp tục hứa hẹn kết quả đàm phán tích cực để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam trong thời gian tới” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Có mặt tại sự kiện, bà Sarah Gilleski, Tùy viên Nông nghiệp – Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, bày tỏ: “Tôi rất vui và chúc mừng Bộ NN-PTNT, các nhà sản xuất trái cây và các nhà đóng gói đã đạt được thành tựu tuyệt vời như hôm nay, đó là mở cửa thị trường cho trái bưởi tươi vào Mỹ. Tôi rất mong chờ từng ngày vì khi trở về quê nhà Mỹ để có thể nhìn thấy trái bưởi Việt Nam trên các kệ siêu thị”.
Trong khi đó, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho biết sau thị trường Mỹ, DN sẽ có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, uy tín để tự tin chinh phục những thị trường tiềm năng khác.
Thách thức không nhỏ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nhìn nhận sự kiện xuất khẩu lô bưởi tươi đầu tiên sang Mỹ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng giá trị xuất khẩu nhưng thách thức đi kèm cũng không ít.
“Thị trường đã có nhưng vấn đề là phải khai thác sao cho hiệu quả. Ở vùng trồng, nông dân phải chuyển dịch sang canh tác theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, với các thị trường xa như: Mỹ, châu Âu, Úc… công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn yếu nên chủ yếu quả tươi phải xuất khẩu bằng đường hàng không với số lượng ít do chi phí cao. Việt Nam cần có những nghiên cứu đột phá về bảo quản sau thu hoạch để tăng nhanh được lượng xuất khẩu trái cây” – ông Nguyên bày tỏ.
Ngoài ra, theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) và phải được kiểm tra giám sát định kỳ trong suốt vụ bưởi.
Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ phải được xử lý chiếu xạ với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, trong đó phần khai báo bổ sung phải ghi rõ lô hàng không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và được sản xuất theo phương pháp tiếp cận hệ thống.
Tổng Thư ký Vinafruit cũng khuyến cáo các DN cần tuân thủ quy định thị trường Mỹ, không cạnh tranh phá giá, làm ảnh hưởng uy tín trái cây Việt.
Ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An), cũng rất kỳ vọng vào quả bưởi xuất khẩu vào Mỹ sẽ đem lại giá trị lớn vì loại quả này thu hoạch quanh năm, thời gian bảo quản dài nên có thể vận chuyển bằng đường tàu biển với chi phí thấp.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đã phá vỡ được thế độc quyền chiếu xạ trái cây xuất khẩu sang Mỹ, giúp các nhà xuất khẩu trái cây có thêm nhiều lựa chọn và giá chiếu xạ cũng giảm 20%-30% so với trước.
“Tiềm năng là vậy nhưng bưởi Việt Nam không phải một mình một chợ tại Mỹ mà phải cạnh tranh với nhiều nguồn khác, đặc biệt là bưởi tươi từ Nam Mỹ có giá rất rẻ. Trong khi đó, ở Việt Nam ngay khi có thông tin bưởi được xuất khẩu sang Mỹ thì loại quả này đã tăng giá. Bên cạnh đó, bưởi xuất khẩu phải được sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ cũng gây khó cho DN trong việc phát triển thị trường. Với ngành này, để bảo đảm chất lượng cần phải tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết nhưng sự liên kết này hiện vẫn chưa chặt nên chưa tạo được sự ổn định cho thị trường” – ông Hiếu bày tỏ.
Bà Amy Nguyen, Chủ tịch Công ty Dragonberry Produce (Mỹ) – chuyên xuất nhập khẩu trái cây tươi, cho biết đã nhập khẩu thanh long, nhãn, dừa, vải… từ Việt Nam và đang muốn tăng thêm sản lượng trong năm 2023 nên cần có thêm đối tác mới.
Tuy nhiên, bà có nhận xét là trái cây của Việt Nam rất ngon nhưng thiếu sự đồng đều về chất lượng và mẫu mã nên khó bán. Vì vậy, các nhà sản xuất, xuất khẩu cần phải tiêu chuẩn hóa các loại trái cây, phân loại kích cỡ rõ ràng. Ví dụ dễ hiểu như 1 hộp trái cây Mỹ (cherry, táo, cam,…) có kích cỡ rất đều nhau, trong khi 1 thùng trái cây Việt Nam sẽ có quả lớn, quả bé – chênh lệch nhau rất nhiều.
“Đưa trái cây tươi sang Mỹ mất thời gian dài nên cần có kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển đúng chuẩn để khi hàng lên kệ tại Mỹ vẫn bảo đảm chất lượng. Chúng tôi đang hướng dẫn cho nông dân, nhà máy đóng gói trái cây các kỹ thuật cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thị trường” – bà Amy Nguyen chia sẻ.
Cũng theo bà Amy Nguyen, trước giờ trái cây Việt Nam tại Mỹ chủ yếu được bán ở cộng đồng người châu Á hạn hẹp, còn Công ty Dragonberry Produce phân phối cho các siêu thị Mỹ, nôm na là bán cho dân “Tây” nên đòi hỏi khắt khe hơn nhưng thị trường rộng lớn hơn.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)