Sáng 28-3, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã dự buổi ra mắt Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL và Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
Kết nối từ không gian đến con người
Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) được thành lập theo quyết định số 695/QĐ-BNN-TCCB do Bộ trưởng Lê Minh Hoan ký ngày 23-2. Trưởng Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam; các ủy viên gồm lãnh đạo các viện, tổng cục của Bộ NN-PTNT và giám đốc sở NN-PTNT các địa phương vùng ĐBSCL. Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL (viết tắt là Văn phòng Điều phối) có trụ sở đặt tại TP Cần Thơ nhằm giúp Ban Chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tổ chức, triển khai các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo này.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ông làm việc ở ĐBSCL nhiều năm, gặp gỡ nhiều bà con nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, các cấp chính quyền. Vì vậy, ông và nhiều người trong số đó đều trăn trở câu hỏi “ĐBSCL nhiều tiềm năng nhưng tại sao không “cất cánh” được” dù đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn về liên kết ĐBSCL. Bộ trưởng cho biết Bộ NN-PTNT đã xây dựng xong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp có chiến lược dài hạn, được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề nội tại của ngành nói chung và ĐBSCL nói riêng.
“Phương châm hành động của bộ trong năm 2022 là “Tư duy mở, hành động nhanh và kết quả thật”. Ban Chỉ đạo mỗi tháng và tiến tới mỗi tuần đều có những sự kiện, hoạt động ở ĐBSCL nhằm kết nối các nhà khoa học trong và ngoài bộ; đồng thời tạo ra không gian để các doanh nghiệp, nhà khoa học đến đây cùng ngồi trao đổi. Từ đây, những ý tưởng sẽ hình thành ra nhiều sáng kiến, từ sáng kiến thành kế hoạch hành động” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập đến tư duy mở, tư duy kết nối. Cụ thể, việc kết nối đồng bằng thể hiện từ việc kết nối không gian 13 tỉnh, thành ĐBSCL; kết nối từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến khu vực tư và kết nối những con người tâm huyết với nền nông nghiệp ĐBSCL.
Văn phòng Điều phối được kỳ vọng là nơi kết nối cũng như tạo đầu ra cho nông sản ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH
Bước đi nhanh của Bộ NN-PTNT
Nhiều đại biểu là lãnh đạo các viện, trường, nhà khoa học… đều bày tỏ sự vui mừng khi Bộ NN-PTNT thành lập 2 đơn vị nói trên. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm nhưng thời gian qua quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các tỉnh, thành chưa tạo ra liên kết. “Tôi kỳ vọng Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối sẽ định hướng về tổ chức sản xuất của ĐBSCL cụ thể là gì, mỗi địa phương cần làm gì cho nhịp nhàng, đồng bộ để khắc phục tình trạng thiếu tập trung, thiếu liên kết. Cần Thơ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho Văn phòng Điều phối hoạt động thuận lợi và hiệu quả” – ông Nguyễn Ngọc Hè nói.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, đánh giá việc thành lập Văn phòng Điều phối đánh dấu bước ngoặt lớn cho ĐBSCL cũng như của cả nước. Vì từ trước đến nay, chúng ta chỉ tập trung vào đầu tư cho cây lúa, còn các loại khác thì làm theo tự phát. “Qua đại dịch Covid-19 cho thấy một điều là Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã gắn kết các vùng sản xuất với thương lái, doanh nghiệp gặp nhau, tiêu thụ được sản phẩm. Tổ này bây giờ sẽ chính quy hơn với Văn phòng Điều phối. Văn phòng Điều phối sẽ có nhiệm vụ lớn hơn là giúp cho tất cả những người sản xuất ra sản phẩm và doanh nghiệp gặp nhau, không lệ thuộc vào “cò” hay thương lái, nông dân chắc chắn có đầu ra” – GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ, việc hình thành cơ chế vùng thì Chính phủ đang làm ở một số ngành như bảo hiểm xã hội, thuế… Vì vậy, Văn phòng Điều phối được đặt tại vùng nông nghiệp lớn nhất nước là bước đi nhanh của Bộ NN-PTNT nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo: “Văn phòng Điều phối mong sẽ được đón tiếp nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp,… những người tâm huyết với nông nghiệp nông thôn đến bày tỏ tâm tư, thắc mắc, định hướng cho phát triển nông nghiệp ĐBSCL”.
Xây dựng thương hiệu đồng bằng
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng nhiều nước trên thế giới không biết Đồng Tháp, An Giang ở đâu, thậm chí TP Cần Thơ chỉ nghe thoáng qua nhưng khi nói Mekong Delta (ĐBSCL) thì ai cũng biết vì Mekong Delta được ghi trong sách và là 1 trong 3 đồng bằng lớn nhất thế giới. Vì vậy, phải xây dựng thương hiệu cho vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thông tin Ban Cán sự Bộ NN-PTNT vừa thông qua việc thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo. Đây là không gian của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, cơ quan quản lý, hợp tác xã để cùng ngồi chung, định hình một chiến lược lâu dài cho ngành hàng. Sau lúa gạo, bộ sẽ thành lập Hiệp hội ngành hàng rau, hoa quả.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)