Sáng 21-9, Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”.
Tại tọa đàm, TS Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết đánh giá được tầm quan trọng của Luật Đất đai, lần này Quốc hội sẽ tập trung rất nhiều thời gian để thảo luận lấy ý kiến để sửa đổi, hoàn thiện.
Theo ông Hiếu, có 8 nội dung quan trọng Quốc hội tập trung thảo luận, trong đó có nội dung trọng tâm đang tập trung làm rõ để sửa Luật Đất đai. Quy hoạch đất đai tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nếu không sẽ thành rào cản, kiềm hãm sự phát triển vì vậy cần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
“Có một số điểm quan trọng cần thảo luận đợt này là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có khái niệm mới đó là đất đa mục đích. Vì trong đất nông nghiệp có thể sử dụng du lịch nghỉ dưỡng, nhà xưởng, trồng cây, trang trại…. và nhiều nội dung quan trọng khác để thảo luận này”- ông Hiếu cho biết.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP HCM, cho biết trong hàng loạt vấn đề góp ý kiến thì có nhiều vấn đề rất gần gũi với TP HCM đã đề xuất và được ghi nhận. TP HCM còn 8 nhóm vấn đề đã kiến nghị đưa vào dự thảo. Quan trọng nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng rồi mới có chỉ tiêu xây dựng. TP cũng đã xin cơ chế linh động dành riêng cho TP để căn cứ làm sao có một quy hoạch chung vì nếu trùng lắp sẽ tốn kinh phí tư vấn quy hoạch xây dựng chi tiết…
Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực”.
Ngoài ra, TP cũng xin cơ chế nếu không có hệ số cho bảng giá thì cần có hội đồng thẩm định giá đất, có cơ quan chuyên trách để làm việc này. Quan trọng nữa là tổ chức bộ máy quản lý đất đai cần thêm nhân sự, vì hiện tại đang thiếu rất nhiều nhất là cấp xã… Đặc biệt, TP HCM cũng có kiến nghị giải quyết những ách tắc liên quan đến nguồn lực đất đai của các doanh nghiệp khi cổ phần hóa vì nhiều doanh nghiệp bị vướng do yêu cầu phải có phương án sử dụng đất….
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai vì tất cả các công trình đều xây dựng trên đất. Ông thiết tha đề nghị các nhà làm luật có điều chỉnh gì thì phải gắn liền các pháp luật khác và đồng bộ nó để áp dụng. Bởi có điều ở trong Luật Đất đai (điều 4) trong dự thảo chỉ có thể phù hợp cho mảnh đất trống, còn đất có công trình không áp dụng được. Quan trọng theo ông Khiết, Luật Đất đai sửa đổi phải phân chia theo từng khu vực, chứ nếu áp dụng chung cho tất cả từ TP lớn đến miền núi thì sẽ luôn vướng.
Đồng quan điểm này, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh TP HCM khác các tỉnh, thành khác, vì vậy cần phân quyền phân cấp cho từng địa phương. Đừng để thực trạng đang diễn ra lặp đi lại là làm dự án lớn, dự án cao bao nhiêu lại đem hồ sơ đi ra Trung ương xin. Nếu không thoát ra được câu chuyện này thì rất khó tháo vướng dù sửa Luật Đất đai.
Ngoài ra, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng đất đai là hữu hạn nhưng tình trạng lãng phí đất hoang đã diễn ra bao năm nay. Vấn đề nữa là đầu cơ, đẩy giá đất lên gấp nhiều lần giá gốc rồi lấy đó làm giá thị trường. Đó là trở lực rất lớn nếu không giải quyết được thì tiếp tục đẩy áp lực cho nền kinh tế.
“Tài chính đất đại hiện nay cũng đang là bi kịch. Đô thị hóa là quá trình “con gà đẻ trứng vàng”, nên cứ chuyển mục đích sử dụng là thu 100% tiền thuế như vậy là nguồn lực không được tối ưu hoá. Còn quyền sử dụng đất thì đó là quyền tài sản, đã được quy định tại Luật Dân sự. Khi đã trở thành quan hệ dân sự thì không còn là quan hệ hành chính nên đã giao đất, có quyền sử dụng đất thì thu hồi thì phải theo Luật Dân sự chứ không chen luật chuyên ngành vào”- TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)