Theo Reuters, hãng được Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức cho biết trong một tuyên bố hôm 13-10 rằng vắc-xin hai thành phần của họ đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và được dung nạp tốt trong thử nghiệm lâm sàng trên 80 người.
Kết quả được mô tả là “phù hợp với dữ liệu tiền lâm sàng” nhưng không tiết lộ mức độ kháng thể được tạo ra trong phân tích sơ bộ.
Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của vắc-xin hai thành phần Pfizer/BioNTech cho kết quả khả quan – Ảnh: REUTERS
Trước đó chỉ một ngày, vào hôm 12-10, hãng dược Mỹ khác là Novavax tuyên bố rằng ngay cả vắc-xin thế hệ trước của họ cũng chống lại BA.1, BA.2 và BA.5 Omicron rất tốt nếu được dùng như liều tăng cường.
Kết quả này được đúc kết từ dữ liệu của 2 nghiên cứu lâm sàng, trong đó một nghiên cứu trên những người được tiêm loạt chính và tiêm tăng cường đều bằng Novavax, nghiên cứu còn lại trên những người được tiêm loạt chính bằng Novavax và các loại vắc-xin COVID-19 khác, sau đó tiêm tăng cường bằng Novavax.
Novavax trước đây đã chậm chân so với các hãng dược khác trong việc tung ra vắc-xin COVID-19 dù loại của họ được nhiều chuyên gia đánh giá là an toàn, bởi được thiết kế dựa trên một công nghệ truyền thống hơn là công nghệ tái tổ hợp, vốn được dùng cho nhiều vắc-xin khác như cúm, viêm gan siêu vi B… trong khi 2 vắc-xin được đón nhận nhiều nhất (Pfizer/BioNTech và Moderna) dùng công nghệ rất mới là mRNA.
Novavax cũng là một trong những hãng dược đầu tiên tuyên bố nghiên cứu phát triển vắc-xin thế hệ mới hai thành phần nhưng có vẻ họ lại một lần nữa chậm chân.
Trước đó, vắc-xin COVID-19 hai thành phần của Pfizer/BioNTech và Moderna đã được các quốc gia phê duyệt chủ yếu dựa trên dữ liệu tiền lâm sàng.
Vắc-xin COVID-19 hai thành phần là vắc-xin thế hệ mới mà các hãng dược đồng loạt theo đuổi nhiều tháng nay, ngoài thành phần được thiết kế dựa trên chủng SARS-CoV-2 gốc được phát hiện ở Vũ Hán – Trung Quốc còn bổ sung thêm thành phần thiết kế dựa trên Omicron BA.1.
Chúng được kỳ vọng sẽ chống lại BA.4/BA.5 Omicron cũng như các dòng con cháu Omicron khác.
Mỹ gia hạn tình trạng đại dịch thêm 90 ngày
Hôm 13-10, Bộ trưởng Bộ y tế Mỹ Xavier Becerra tuyên bố nước nay gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng đối với COVID-19 thêm 90 ngày, đồng nghĩa với việc các chính sách nhắm vào căn bệnh như mức chi trả cao cho các bệnh viện và mở rộng Medicaid sẽ được duy trì.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng yêu cầu quốc hội tài trợ thêm 22,4 tỉ USD để chuẩn bị cho trường hợp COVID-19 xuất hiện một đột biến nguy hiểm tiềm năng.
Theo báo cáo dịch tễ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gửi cho báo giới sáng 13-10 (giờ Việt Nam), Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiều nhất khu vực châu Mỹ với hơn 283.000 ca vào tuần trước, 2.817 ca tử vong.
Cũng trong hôm 13-10, Ủy ban khẩn cấp (EC) về các Quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19 đã được triệu tập. Mặc dù WHO khẳng định đã có đủ công cụ để chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở mọi quốc gia nhưng khoảng trống vắc-xin (trong từng nước và ở các nước đang phát triển) và lo ngại về khả năng đột biến khó lường của SARS-CoV-2 được cho là rào cản, dẫn đến việc không có phán quyết kết thúc đại dịch nào được đưa ra.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)