Trong số này, có dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu của môi trường Bắc Cực tại Trạm Khoa học Đông Bắc trên sông Kolyma ở vùng Siberia.
Theo Reuters, hàng chục nhà khoa học quốc tế đã đến đó làm việc mỗi năm kể từ năm 2000 nhưng năm nay điều này không còn diễn ra. Viện Hóa sinh Max Planck (Đức) đã đóng băng nguồn kinh phí được sử dụng để trả lương cho nhân viên tại trạm nghiên cứu và duy trì hoạt động của một số công cụ dùng để đo lường biến đổi khí hậu làm tan băng vĩnh cửu ở Bắc Cực nhanh đến đâu và lượng khí mê-tan phát thải…
Theo người phát ngôn của Max Planck, điều này sẽ làm gián đoạn các phép đo liên tục tại trạm nghiên cứu từ năm 2013, ảnh hưởng đến hiểu biết của giới khoa học về xu hướng toàn cầu ấm dần lên.
Một cơ sở đang được Trạm Khoa học Đông Bắc sử dụng bên ngoài thị trấn Chersky, Cộng hòa Sakha (Nga). Ảnh: REUTERS
Trao đổi với Reuters, hơn 20 nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại khi hàng triệu USD tài trợ của phương Tây cho khoa học Nga đã bị đình chỉ do các lệnh trừng phạt. Hàng trăm quan hệ đối tác giữa các tổ chức khoa học Nga và phương Tây bị tạm dừng hoặc hủy, nhiều kênh liên lạc bị đóng và không ít chuyến đi nghiên cứu bị hoãn vô thời hạn.
Việc xây dựng một số cơ sở nghiên cứu công nghệ cao ở Nga cũng bị ảnh hưởng. Trong số này có một máy va chạm ion và một lò phản ứng neutron mà châu Âu đã cam kết hỗ trợ 25 triệu euro. Công nghệ này hứa hẹn mở ra kỷ nguyên nghiên cứu mới, có thể đóng góp cho nhiều lĩnh vực, trong đó có việc phát triển vật liệu, nhiên liệu và dược phẩm mới.
Cũng bị đóng băng là một khoản đóng góp trị giá 15 triệu euro nhằm hỗ trợ phát triển vật liệu carbon thấp và công nghệ pin cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đối phó biến đổi khí hậu.
Nhà khoa học môi trường người Nga Dimitri Scheoanshchenko, người có liên kết với Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (Áo) từ năm 2007, nhận định khoa học là bên chịu thiệt từ những diễn biến trên.
“Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học khó có thể được giải quyết toàn diện nếu không có lãnh thổ và chuyên môn của các nhà khoa học Nga” – ông Shchepashchenko nói với Reuters.
Trong khi đó, theo nhà hóa học Pavel Troshin, các dự án chung lẽ ra nên được thực hiện vì lợi ích của toàn thế giới và việc loại bỏ các nhà khoa học Nga thực sự phản tác dụng. Ông Troshin đang vật lộn với việc duy trì dự án phát triển pin năng lượng mặt trời thế hệ tiếp theo dành cho vệ tinh với nguồn kinh phí từ Nga sau khi Đức cắt đứt tài trợ.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)