Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 31-3 ký sắc lệnh yêu cầu bên nước ngoài mua khí đốt Nga thanh toán bằng đồng rúp từ ngày 1-4, nếu không các hợp đồng mua bán sẽ bị tạm dừng.
Theo ông Putin, bên mua phải mở tài khoản đồng rúp tại ngân hàng Nga và việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua tài khoản này. Nếu khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, bên mua bị xem là mất khả năng chi trả và hợp đồng sẽ chấm dứt.
Quyết định trên dường như là một phần nỗ lực của Nga nhằm cứu giá đồng rúp sau khi đồng tiền này lao dốc do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng việc chuyển thanh toán khí đốt sang đồng rúp sẽ không hỗ trợ nhiều cho đồng tiền này vì nhà xuất khẩu khí đốt Nga Gazprom phải đổi 80% thu nhập ngoại tệ của mình sang đồng rúp.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Công ty Tư vấn Evercore ISI (Mỹ) cho rằng ngay cả khi Nga có thể buộc Liên minh châu Âu trả tiền khí đốt bằng đồng rúp, các nước châu Âu có thể trả đũa bằng cách áp đặt thêm thuế lên dầu nhập khẩu từ Nga hoặc cấm mặt hàng này. Dù Nga vẫn có thể bán dầu nhưng giá có thể bị giảm đáng kể.
Một phần đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom ở vùng Amur – Nga Ảnh: REUTERS
Phản ứng trước động thái trên, theo hãng tin AP, một số nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định vẫn sẽ tiếp tục thanh toán khí đốt bằng đồng euro và USD, đồng thời muốn tìm hiểu rõ hơn cách thức Nga thực thi sắc lệnh. Trong khi đó, chính phủ một số nước châu Âu cho rằng yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp là vi phạm hợp đồng.
Trước mắt, các nước châu Âu có nguy cơ đối mặt khả năng nguồn cung năng lượng bị cắt giảm luân phiên. Hồi đầu tháng 3, EU cam kết cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trước cuối năm nay. Trong khi đó, Anh thông báo sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay.
Giới phân tích nhận định với đài CNBC rằng chính sách cắt giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch có thể là “vũ khí hiệu quả thật sự” của châu Âu trước Nga. Dù vậy, động thái này đi kèm không ít rủi ro, nhất là đối với một khu vực đang đối mặt khủng hoảng năng lượng.
Ông Chi Kong Chyong, Giám đốc Diễn đàn Chính sách Năng lượng của Trường ĐH Cambridge (Anh), nhận định Đức và Áo có thể không còn đơn độc trong việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp cực đoan nếu phương Tây tiếp tục đối đầu với Nga về điều khoản thanh toán khí đốt.
Theo chuyên gia này, các quốc gia châu Âu dù đang bước vào giai đoạn ấm hơn nhưng vẫn cần một lượng khí đốt đáng kể để dự trữ sử dụng trong những tháng mùa đông tới. Một khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn, các nước châu Âu khác cũng sẽ phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp.
Một khía cạnh được quan tâm trong cuộc chiến thanh toán khí đốt Nga – châu Âu là liệu yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp có thể làm suy yếu đồng USD và euro trong thương mại toàn cầu?
Theo tờ Financial Times (Anh), các quốc gia, trong đó có Nga, giữ nhiều tỉ USD trong ngân hàng trung ương hoặc quỹ dự trữ tài sản, một phần vì USD đang là tiền tệ mặc định trong các hoạt động thương mại và thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) trong tuần này nhận định việc Washington tăng cường sử dụng biện pháp trừng phạt tài chính như một công cụ chính sách đối ngoại có thể thúc đẩy các nước thứ ba đa dạng hóa để tránh phụ thuộc quá mức vào việc giao dịch bằng đồng USD.
Thêm gánh nặng đè lên kinh tế châu Á
Hoạt động sản xuất tại phần lớn nước châu Á bị chậm lại trong tháng 3 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm của Trung Quốc và chi phí nguyên liệu thô gia tăng vì xung đột Nga – Ukraine tăng thêm gánh nặng lên doanh nghiệp đang chịu tác động của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Theo kết quả khảo sát tư nhân được Caixin/Markit công bố hôm 1-4, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 của Trung Quốc là 48,1. Con số này giảm so với mức 50,4 của tháng trước đó. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.
Trung Quốc hiện đối mặt làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát và giới phân tích nhận định sự sụt giảm nói trên là tín hiệu không tốt cho châu Á, nơi nhiều quốc gia xem Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu.
Tương tự Trung Quốc, hoạt động sản xuất tại Malaysia cũng bị thu hẹp trong tháng rồi trong bối cảnh giá nguyên liệu thô gia tăng. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Hàn Quốc chậm lại vào tháng rồi khi lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh chưa từng thấy kể từ tháng 7-2020. Cụ thể, PMI trong tháng 3 giảm còn 51,2 (so với mức 53,8 hồi tháng 2). Theo Reuters, nhiều công ty ở Hàn Quốc cũng chịu tác động khi nguyên liệu thô tăng giá.
Ở chiều hướng ngược lại, PMI tháng 3 của Nhật Bản tăng mạnh lên 54,1 do nhu cầu nội địa tăng giữa lúc tác động của dịch bệnh không còn nặng nề như trước. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản sụt giảm, xuất phát từ các biện pháp phòng chống dịch ở Trung Quốc và xung đột Nga – Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chuyên gia Tim Harcourt của Trường ĐH Công nghệ Sydney (Úc) nhận định với đài Al Jazeera rằng ngay khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi, xung đột Nga – Ukraine và làn sóng lây nhiễm mới ở TP Thượng Hải không khác gì một cơn bão hoàn hảo đẩy con tàu kinh tế toàn cầu đến vùng biển suy thoái.
Cao Lực
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)