Dịch Covid-19 đã đưa ngành y của cả thế giới vào những ca trực xuyên thời gian rồi cũng lướt tới tỉnh Quảng Trị vào sáng 7-8-2020, ca mắc đầu tiên là người bệnh số 749 có F1 là người số 750.
Thương người bệnh như người thân
Trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 khởi phát tại TP Đà Nẵng với chủng virus có tốc độ lây lan nhanh hơn và có đột biến làm khả năng nhiễm cao hơn dẫn tới số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, đến ngày 13-8-2020, tỉnh Quảng Trị ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc Covid-19 là các người bệnh số 832, 833, 861, 862, 904. Trong số đó, người bệnh số 832 tử vong tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Chăm sóc con trai đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước đó đã trở thành một trong bốn F1 của người bệnh số 750 là người bệnh số 832b. Bà H.T.X (66 tuổi; người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) là F1 của con trai mình và là người bệnh số 862.
Bác sĩ Phạm Thị Hằng (giữa) thuyết phục người bệnh số 862 uống thuốc điều trị Covid-19
21 giờ ngày 13-8-2020, bà H.T.X ngồi trên giường bệnh. Dáng vẻ bần thần của bà làm bác sĩ (BS) Phạm Thị Hằng – Trưởng Khoa Nội A1, Bệnh viện Chuyên khoa (BVCK) Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị – đến bên bà thêm lần nữa.
35 tuổi và phải đang nhờ gia đình người bác chăm sóc con trai 9 tuổi từ khi hai vợ chồng tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19, BS Phạm Thị Hằng hiểu là bà H.T.X đang nhớ mong con trai. Bà không hề biết con trai bà vừa qua đời sau hai ngày được chuyển từ đây vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.
Từ lúc con trai mắc Covid-19, bà H.T.X được chuyển đến khu cách ly y tế ở BVCK Lao và Bệnh phổi thì bà không chịu ăn uống, cứ nói mãi chỉ mỗi câu “cho mẹ về với con mẹ” bằng tiếng Kinh lơ lớ, rồi ôm mặt khóc và nằng nặc đòi về nhà. Trái tim thầy thuốc gặp trái tim người mẹ trong nỗi buồn thương mà Covid-19 mang lại. BS Phạm Thị Hằng dùng vốn từ tiếng Vân Kiều ít ỏi tự học được để trò chuyện với bà H.T.X.
Bác sĩ Phạm Thị Hằng trao tiền do đoàn viên thanh niên ngành y tế tỉnh Quảng Trị hỗ trợ người bệnh số 862 trong thời gian điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi
“Là người mẹ phải xa con trong những ngày này nên tôi rất thương bà H.T.X. Nói chuyện với bà khá nhiều mới làm bà vui lên một chút. Đến khi tôi giải thích thêm về tầm nguy hiểm của dịch bệnh thì bà đã chịu ăn uống và hợp tác điều trị. Có lúc vừa dỗ dành bà ăn cơm, uống thuốc vừa phải nén nỗi nhớ con làm tôi rớt nước mắt. Cũng vì hiểu bà quá thương con nên chúng tôi không thông báo tin con trai bà đã qua đời theo kiểu ngay và luôn, thông báo cho xong việc” – BS Phạm Thị Hằng kể.
Thương bà H.T.X và thương con mà nhiều hôm sau khi kết thúc giờ khám bệnh là BS Phạm Thị Hằng mở điện thoại với ý muốn gọi nói chuyện với con nhưng thấy đã khuya nên đành thôi, tiếp tục làm việc với suy nghĩ cố gắng để cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh để không còn những giọt nước mắt của những người mẹ nhớ con trong nghịch cảnh do Covid-19 tạo ra.
Tâm tư của BS Phạm Thị Hằng cũng như các đồng nghiệp của chị đã cho tôi cảm nhận sâu sắc rằng họ đã thương yêu người bệnh như người thân của mình, coi nỗi buồn của người bệnh như nỗi buồn của mình. Họ là những thầy thuốc không những dấn thân trên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ cứu chữa từng ca nhiễm SARS-CoV-2 mà còn nâng đỡ tinh thần của người bệnh, làm giảm bớt đau khổ của người bệnh như Bác Hồ kính yêu đã dạy.
Vượt lên những khó khăn, vất vả
Làm việc ở khu cách ly điều trị Covid-19 tại BVCK Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị, BS Phạm Thị Hằng và đồng nghiệp vượt lên những khó khăn, vất vả để chăm sóc những người nhiễm SARS-CoV-2.
Thời tiết ở tỉnh Quảng Trị trong mùa nắng thường có nền nhiệt trên 40 độ C thì việc mang bộ áo quần bảo hộ cùng khẩu trang N95 phòng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 là một cực hình đối với các cán bộ, nhân viên y tế. Họ ngày đêm căng mình điều trị và chăm sóc người bệnh.
BS Phạm Thị Hằng cùng đồng nghiệp bắt đầu công việc mỗi ngày từ lúc 6 giờ sáng với việc nhanh chóng mang bộ áo quần kín mít ấy, đeo khẩu trang rồi mặt nạ, găng tay sao cho không bị rách, bị hở, xong là nhận đồ ăn sáng và dụng cụ sinh hoạt cá nhân đưa vào cho từng người bệnh.
Một bài thơ do người bệnh sáng tác tặng bác sĩ Phạm Thị Hằng
Từ 7 giờ là thăm khám bệnh, nắm tình hình sức khỏe của người bệnh và bổ sung chỉ định cần thiết hoặc chụp X-quang, siêu âm tại giường bệnh với trường hợp cần được kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ trong mỗi phút mỗi giờ. Toàn thân họ như bị hấp bởi mồ hôi của chính mình túa ra nóng hổi trong bộ bảo hộ. Trong khi các phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 đều không được dùng máy điều hòa nhiệt độ nên cảm giác bức bối vô cùng.
Rời các phòng bệnh sau giờ thăm khám bệnh là các bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên hình ảnh y học được phun khử khuẩn toàn thân và các dụng cụ chuyên môn với nỗi mừng là sẽ được cởi bộ đồ bảo hộ, nhất là tháo khẩu trang N95 để được hít thở thoải mái sau những nỗ lực duy trì hơi thở của người bệnh, động viên và hỗ trợ người bệnh thở. Nhưng rất nhiều lần vừa cởi bộ đồ bảo hộ xong thì có thông báo tiếp nhận ca bệnh mới.
Có đêm, bệnh viện tiếp nhận cùng lúc 30 người bệnh được đưa về từ các khu cách ly trên địa bàn tỉnh trong điều kiện số lượng bác sĩ, điều dưỡng khá ít nên các kíp trực dồn sức sắp xếp phòng bệnh, chuẩn bị các đồ dùng để người bệnh sử dụng và làm bệnh án ngay trong đêm.
Những đêm như vậy, họ hầu như không ngủ.
Nhiều người cảm phục
Liên tục tham gia các đợt điều trị Covid-19 với số người mắc và số người nghi nhiễm SARS-CoV-2 lên tới hàng chục, hàng trăm người, có đợt trọn 30 ngày liền làm BS Phạm Thị Hằng không thể gặp con, gặp chồng, chăm sóc gia đình. Nỗi nhớ niềm thương cứ phải dồn lên từng giờ.
Đã vậy, các đợt điều trị Covid-19 thường có trường hợp trẻ em phải ở cùng bố mẹ tại Khoa Nội A1. Một gia đình trở về từ tỉnh Bình Dương có 2 con nhỏ và người mẹ già với các triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm phổi trong điều kiện kinh tế cạn kiệt, BS Phạm Thị Hằng và các điều dưỡng phải liên hệ xin tiền mua sữa, hỗ trợ thêm quạt máy, động viên họ vui vẻ và vững tin vào hiệu quả điều trị.
Y – bác sĩ BV Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị tạo hình thể hiện quyết tâm chiến thắng Covid-19. (Ảnh do BV Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị cung cấp)
Hai con nhỏ 3 tuổi và 5 tuổi của một cặp vợ chồng ở huyện Hải Lăng đều mắc Covid-19 không thể vào khu cách ly tập trung do gia đình neo người, được sắp xếp ở lại với bố mẹ nên các bác sĩ và nhân viên y tế phải kiểm soát kỹ việc tiếp xúc, thường xuyên khử khuẩn, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn để ngăn chặn virus, tránh lây nhiễm…
Rồi người bệnh số 832 đã khỏi Covid-19 và trở về với nếp nhà sàn thân thuộc giữa miền cao Hướng Hóa, gia đình người lao động ở tỉnh Bình Dương trở về và cặp vợ chồng ở huyện Hải Lăng cùng hai con nhỏ đã vui mừng rời bệnh viện nhưng chuyện BS Phạm Thị Hằng an ủi người mẹ Vân Kiều bị Covid-19 cướp đi con trai, cùng Khoa Nội A1 và toàn thể cán bộ, nhân viên y tế ở BVCK Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị tập trung tâm sức điều trị, chăm sóc các F0, F1 mà chấp nhận những tình huống khi người bệnh bị hoảng loạn la mắng, đặc biệt là những giây phút các nữ y bác sĩ – những người mẹ muốn nghe giọng nói của con thơ cũng đành phải ghìm nén nhớ thương của tình mẫu tử giữa đêm khuya, vẫn làm nhiều người cảm phục.
Có người bệnh khi về nhà đã gửi lại những câu thơ xúc động: “Bùi ngùi bịn rịn giờ chia xa/ Chào cô áo trắng đặng về nhà/ Chẳng lẽ hết đau mà muốn ở/ Lương y từ mẫu đây thiệt mà/ Bà con cô bác ở gần xa/ Bệnh viện Lao phổi ở Đông Hà/ Chăm sóc người bệnh tuyệt vời quá/ Gần gũi thương yêu tựa người nhà”, tặng bác sĩ Phạm Thị Hằng với lời đề tựa: “Cô bác sĩ tuyệt vời quá!”.
Công việc bội phần vất vả
Là một trong bốn khoa điều trị các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng Khoa Nội A1 BVCK Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị vừa đảm nhận điều trị F0 vừa tiếp nhận các F1 nên công việc bội phần vất vả.
Từ tháng 5-2021, BVCK Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị chuyển sang điều trị Covid-19 với các F0 và nâng tổng số giường bệnh thành 100 giường để đáp ứng yêu cầu điều trị trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)