Quê tôi xã Nga Tân, miền đất phù sa nước lợ của huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, người dân chủ yếu sống bằng nghề chiếu cói.
Khác với các xã đồng bái Nga Trung, Nga Hưng trồng khoai, cấy lúa, người dân Nga Tân phải “gạo chợ nước sông”, “ăn đong từng bữa”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm quần quật cả năm vẫn không đủ ăn, sống chết nhờ cậy vào cây cói. Bởi thế mỗi năm Tết đến xuân về, kiếm được cân thịt mỡ, kho ăn với dưa hành, cơm gạo trắng đã là “xa xỉ”, chỉ gia đình khá giả mới có.
Bánh dùng trùng mật ngày Tết (ảnh minh họa)
Để có cái Tết tươm tất, ngay từ tháng 10 âm lịch, mẹ tôi mua chai mật mía về để dành trong buồng ngủ, còn bố đi bộ lên tận chợ Đền (chợ miền núi huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) mua sắn “gạc hươu” về làm bánh dùng trùng mật. Đêm đông rét run bần bật, cả nhà ngồi quây quần bên đống củ sắn khô. Chị tôi gọt vỏ, bố khỏe tay cầm chày giã sắn, mẹ sàng dần lấy bột, thằng em út thì cứ chạy lăng xăng xin mẹ “cho con ít bột làm bánh nướng bếp than”. Mẹ bảo: “Để cúng tổ tiên, ăn trước là phải tội”.
Mẹ kể, bố mẹ lấy nhau gia sản chẳng có gì ngoài cái trách đất và 3 cái bát. Mỗi năm Tết đến xuân về, bố mẹ bện thừng đem bán mua khoai. Cuộc sống đói khổ bần hàn vậy mà vẫn nuôi được bảy cái “tàu há mồm” khôn lớn. Ngày Tết, những gia đình khá giả mới làm bánh trùng mật bằng bột gạo nếp, còn với nhà tôi, bánh trùng mật mía làm bằng bột sắn đã là “đẳng cấp”.
Gia đình tôi quây quần bên mâm cơm ngày Tết
Đêm ba mươi trời tối đen như mực. Cái rét giữa đông như cắt da cắt thịt. Trước khi đong 3 lon bột sắn đổ ra mẹt, mẹ nhóm bếp đun nước sôi. Ngọn đèn dầu không đủ sáng trong gian bếp nhỏ, mẹ múc nước sôi đổ vào bột. Bàn tay mẹ nhào nặn từng chiếc bánh tròn trịa để quanh miệng mẹt. Nồi nước sôi ùng ục từ lúc nào. Tôi giơ cao đèn, mẹ vừa bỏ từng chiếc bánh vào nồi vừa bảo: “Tết nào nhà ta cũng làm bánh dùng để cúng ông bà tổ tiên. Cúng xong mẹ sẽ cho các con ăn nhé”.
Hai tay mẹ bưng nồi bánh chắt khô nước rồi đổ chai mật mía vào, tắt lửa, đậy vung. Trong khi chờ mật ngấm vào bánh, mẹ dặn, sáng mùng một Tết phải dậy sớm làm cơm cúng, mặc quần áo đẹp để được mừng tuổi mới.
Những chiếc bánh trùng mật mía được múc ra bát nhỏ. Bưng mâm bánh đặt lên bàn thờ tổ tiên, thắp ba nén hương thơm giữa đêm ba mươi tĩnh lặng, mẹ khấn: “Đêm nay là ba mươi Tết. Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, ông, bà, tổ tiên về hiến hưởng cho gia chủ mạnh khỏe, ăn nên làm ra…”.
Tết đến xuân về, anh em họ hàng nhà tôi hàn huyên bên nhau
Dáng mẹ thấp bé. Chiếc áo bông sờn cũ chưa đủ ấm mùa đông giá lạnh. Tàn nhang, mẹ gọi: “Các con đâu rồi, dậy đi nào. Bánh dùng ngon đây. Thằng Thắng trải chiếu, thằng Dũng lấy mâm, thằng Chiến lấy bát…”.
Cả nhà ngồi quây quần bên nhau trên mảnh chiếu cũ dưới nền đất. Vừa ăn vừa nói chuyện cách làm bánh dùng bằng bột sắn. Mẹ bảo: “No ba ngày Tết, đói ba tháng hè. Nhà đông con của không ngon cũng hết”.
Cắn miếng bánh dùng “ngập chân răng” đẫm mật ngọt lịm, tôi bảo: “Mẹ ơi Tết năm sau nhà mình vẫn làm bánh dùng, mẹ nhé”. Mắt mẹ rưng rưng nhìn tôi. Tôi hiểu hạnh phúc ùa về trong tim mẹ…
… Mới đó mà đã ngót 40 năm!
40 năm biết bao thay đổi, nhưng bánh dùng bột sắn trùng mật tự tay mẹ làm thì vẫn in đậm trong tiềm thức chị em chúng tôi mãi mãi chẳng thể phai mờ.
Đất nước đổi mới, người dân Nga Tân quê tôi không còn đói khổ như thời bao cấp. Bánh dùng trùng mật bây giờ cũng ít nhà ăn vì sợ mập, sợ béo, nhiều mật ngọt. Tuy nhiên nó vẫn là hương vị không thể thiếu trong gia đình tôi mâm cỗ giao thừa. Bởi nó không chỉ đã trở thành một phần ký ức đẹp đẽ của gia đình tôi mà còn là kỷ niệm của tuổi ấu thơ một thời bần hàn, cơ cực đã qua.
Chuẩn bị cho bữa nấu bánh dùng và mâm cỗ ngày Tết quê tôi
Năm Nhâm Dần đang dần vơi cạn nhường chỗ cho Xuân Quý Mão đang đến cận kề. Giữa bao la của hàng triệu món ăn Việt ngày Tết, tôi vẫn thương nhớ món bánh dùng bột sắn của mẹ Tết xưa. Nó chất chứa cả tình mẫu tử một đời yêu chồng thương con của mẹ. Chúng tôi lớn lên, trưởng thành từ những chiếc bánh bột sắn đẫm mồ hôi của mẹ từ thuở lọt lòng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)