Sáng 15-11, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức sự kiện “8 tỉ người: Một thế giới với những tiềm năng vô hạn.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết 12 năm trước (năm 2010), dân số thế giới mới chỉ chạm mốc 7 tỉ người, chúng ta kỳ vọng đến năm 2037 con số này mới lên 8 tỉ.
Hình ảnh triển lãm nhân sự kiện thế giới chạm mốc 8 tỉ người tại tòa nhà Liên Hợp Quốc
Thực tế, đến năm 2022, thế giới đã đạt 8 tỉ người và đến năm 2037, con số này dự kiến nâng lên mốc 9 tỉ, châu Á và châu Phi sẽ thúc đẩy sự gia tăng này.
Theo báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2022, thế giới mất 12 năm để tăng từ 7 tỉ dân lên 8 tỉ, xấp xỉ thời gian từ 6 tỉ lên 7 tỉ. Một tỉ tiếp theo dự kiến sẽ cần 14,5 năm. Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỉ người vào năm 2080, duy trì mức đó đến năm 2100.
Trong 10 quốc gia đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ 7 tỉ đến 8 tỉ, Ấn Độ là nước đóng góp lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria.
2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 con trên một phụ nữ (còn gọi là mức sinh thay thế).
Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi vào năm 2019, tăng gần 9 năm tuổi kể từ năm 1990. Nhưng vào năm 2021, tuổi thọ của các nước kém phát triển nhất đã tụt hậu 7 năm tuổi so với mức trung bình toàn cầu.
Với cột mốc 8 tỉ người, đại diện UNFPA cho rằng: “Con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững”.
Theo bà Naomi Kitahara, dù còn nhiều thách thức trước mắt nhưng đằng sau con số 8 tỉ người và việc chạm tới cột mốc quan trọng này là một câu chuyện về thành công. “Chúng ta đã giảm được tỉ lệ nghèo đói và đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các vấn đề xã hội. Chúng ta đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần là do tuổi thọ tăng lên, đồng thời tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đi”- bà nói.
Nhân loại đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột và COVID-19. Những vấn đề này đang gây ra tác động vô cùng lớn đến nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương nhất.
“Hàng triệu người vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông có chất lượng”- bà Naomi Kitahara chia sẻ.
UNFPA sẽ phối hợp với các đối tác và cộng đồng khắp nơi trên thế giới để khai thác sức mạnh của 8 tỉ người. Khi các quyền và sự lựa chọn của mọi người dân đều được bảo vệ để ai cũng được hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, được trao quyền và cơ hội, từ đó giải quyết những thách thức đang đe dọa xã hội và các vấn đề toàn cầu khác.
UNFPA sẽ tiếp tục thúc đẩy quyền cơ bản của mỗi cá nhân và cặp vợ chồng trong việc tự do đưa ra quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)