Tác phẩm tái hiện đời sống báo chí sôi động từ thuở ban đầu cho đến những năm 1945. Nhiều tờ báo từng xuất hiện trong lịch sử như: “Gia Định báo”, “Thông loại khóa trình”, “Đông Dương tạp chí”, “Nam Phong tạp chí”, “Tiếng dân”, “An Nam tạp chí”, “Hà thành ngọ báo”… được sắp xếp lần lượt theo tiến trình thời gian từ nửa sau thế kỷ XIX đến 1945, phân theo khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ.
Mỗi tờ báo được tái hiện trên cơ sở hồi ký, ghi chép của người làm báo từ 1945 trở về trước, qua thực tế nội dung từ chính các tờ báo, tạp chí. Tiếp đó là câu chuyện về nghề báo với những ghi chép liên quan đến hoạt động báo chí, tòa soạn, tranh luận văn nghệ, kiểm duyệt báo…
Ấn phẩm “Đằng sau mặt báo – Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” của tác giả Trần Đình Ba (Ảnh do NXB Tổng hợp cung cấp)
Sự xuất hiện của tờ Gia Định báo năm 1865, đánh dấu sự ra đời của báo chí tiếng Việt. Ban đầu xuất hiện để phục vụ chính quyền, nhu cầu thông tin tin tức tới các địa phương, đăng các thông tư, nghị định, tin thời sự liên quan đến giá cả, mùa màng, chống phản loạn.
Về sau báo chí tư nhân ra đời và có vị trí quan trọng trong làng báo với nhiều tờ báo chất lượng: “Ngọ báo”, “Sài thành nhật báo”, “Trung lập”, “Đông Pháp thời báo”… Sách cũng dành một phần nội dung viết về những tờ báo ít thông tin, chỉ gặp trong ghi chép của người làm báo, hoặc qua mẩu tin giới thiệu trên báo đồng nghiệp như: “Bulletin des Communes”, “Nam Kỳ Hoa kiều nhật báo”, “Công hội đỏ”, “Chớp bóng”…
Nhiều gương mặt ký giả có dấu ấn to lớn tới sự hình thành, phát triển báo chí Việt Nam được đề cập: Trương Vĩnh Ký, Hồ Văn Trung, Hoàng Tích Chu, Phan Khôi, Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Ái Quốc… Thậm chí là cả những nhà báo người Pháp như: F.H. Schneider, DeJean de la Ganosky cũng được nhắc đến.
Câu chuyện về hậu trường nghề báo tạo sự hấp dẫn, chân thực với kỹ thuật lấy tin, bài; nhuận bút; giá bán báo; cách thức cộng tác báo. Những câu chuyện về khó khăn của nghề báo cũng được đề cập, thể hiện ở chế độ kiểm duyệt báo chí; kinh phí xuất bản báo, số lượng bản in, sự tồn tại ngắn ngủi của một số tờ báo vì bị chính quyền thực dân cấm, đình bản.
Bên cạnh những tư liệu trong nước, nguồn ghi chép quý giá của người Pháp như: Louis Roubaud với “Việt Nam, bi thảm Đông Dương”, Claude Bourrin với “Bắc kỳ xưa”, “Đông Dương ngày ấy” (1898 – 1908)…đề cập đến những tờ báo Pháp ngữ như Le Courrierd’Haiphong, L’Avenir du Tonkin, Les Pages Indochinoise cũng được tác giả Trần Đình Ba tận dụng, dù thông tin hạn chế.
Hạn hữu như trường hợp của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nay đã hơn 100 tuổi, từng viết bài trên báo “Truyền bá” cũng được góp nhặt để có được những thông tin đắt giá.
““Đằng sau mặt báo – Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945” không chỉ là tác phẩm tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn mà có còn những đóng góp về mặt nội dung, thể hiện ở việc xác định lại thời điểm ra đời, kết thúc của một số tờ báo mà những thông tin trong từ điển, thư tịch báo chí, hoặc sách báo chí trước đó bị sai lệch hoặc thiếu.
Ví dụ “Thanh Nghệ Tịnh Tân văn” được thông tin kỹ thời gian hiện diện trong lịch sử báo chí Việt Nam; báo “Cậu ấm” kết thúc ở số 129 chứ không phải số 429…Bổ sung một số tờ báo trong sách nghiên cứu báo chí còn thiếu. Ví dụ như tờ “Đông Tây tuần báo” do Quỳnh Dao làm chủ bút, tờ “Học sinh”, “Phật hóa tân thanh niên”, “Sống”…
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)