Theo Live Science, báu vật đó chính là một mạch nước ngầm nguyên sơ 1,2 tỉ năm tuổi, với thành phần hydro và helium phong phú.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Oiver Warrr từ Khoa Khoa học Trái Đất của Đại học Torronto – Canada cho biết niên đại và thành phần của dòng nước quý giá này có thể tiết lộ các tương tác hóa học cổ đại với đá mà nó chảy ngang qua, từ đó cung cấp các hiểu biết mới về quá trình sản xuất và lưu trữ năng lượng trong vỏ Trái Đất từ 1,2 tỉ năm trước.
Điều này sẽ đem về nhiều hiểu biết về địa cầu vào thời sự sống mới chỉ là các vi sinh vật sơ khai.
Các nhà khoa học khám phá mạch nước ngầm 1,2 tỉ năm tuổi, một báu vật vô giá với nhiều lĩnh vực khoa học – Ảnh: ĐẠI HỌC TORRONTO
Nghiên cứu cũng xác minh thêm một mối nghi ngờ từ lâu: Nước ngầm ở Nam Phi đặc biệt so với phần còn lại của thế giới, có nồng độ cao các sản phẩm được tạo ra bởi phóng xạ, chưa từng được phát hiện trong chất lỏng ở bất cứ đâu khác.
Nước ngầm cổ đại này còn có thể đóng vai trò một nguồn năng lượng trong tương lai, nếu các nhà khoa học tính toán và xác định được rằng những mạch nước ngầm mang “năng lượng Trái Đất” này phổ biến ở các nơi khác trên thế giới, dù dưới những dạng có đôi chút khác biệt.
Nếu may mắn, nhân loại sẽ tìm được một nguồn năng lượng sạch mới, bền vững và kèm theo khá nhiều sản phẩm phụ như khí quý, trong bối cảnh cơn khát năng lượng toàn cầu.
Các mẫu nước ngầm thu thập được từ “suối nguồn” 1,2 tỉ năm tuổi này chứa hàm lượng muối gấp 8 lần nước biển, rất giàu uranium, helium phóng xạ, neon, argon, xenon, krypton, cũng như hydro và helium “nguyên chất”.
Vì vậy, nó có thể giải thích về quá trình khuếch tán helium sâu bên trong hành tinh, rất quan trọng trong bối cảnh nhân loại đang đối mặt với sự thiếu hụt helium, cũng như gợi ý về quá trình các hành tinh khác tự sản xuất năng lượng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)