Thời gian gần đây, khi có một vài đề xuất đưa 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn lên thành phố và việc TP HCM sắp tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi đầu tư vào 55 dự án tại 2 huyện này với tổng vốn khoảng 285.000 tỉ đồng, nhiều người đã đổ xô tới 2 địa phương này để mua đất, khiến giá đất một số khu vực tăng chóng mặt.
Đất gì cũng tăng vụt
Vài tuần gần đây, ông Long (ngụ TP Thủ Đức) và vài người bạn liên tục chạy lên Hóc Môn và Củ Chi để tìm mua đất sau khi nghe râm ran về việc TP HCM chuẩn bị công bố thông tin phát triển về phía Bắc. Tuần trước, ông tìm được người cần bán mảnh đất nông nghiệp rộng 7 sào (7.000 m2) ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) với giá chốt gần 1 tỉ đồng/sào nên định rủ bạn bè mua chung. Ông Long có việc nhà chưa lên kịp hẹn thì đã có người khác trả giá tới 1,2 tỉ đồng/sào để “ôm” trọn mảnh đất.
Nhiều người đổ xô lên huyện Hóc Môn và Củ Chi (TP HCM) để săn đất thời gian gần đây .Ảnh: TẤN THẠNH
Tiếc của, ông Long tìm hiểu mới biết giá đất trồng cây lâu năm khu vực này đã lên tới 2,5 tỉ đồng/sào. Tuy nhiên, phần lớn đất ở đây đều nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái nên không chuyển thổ cư được. Còn đất nông nghiệp không thuộc diện quy hoạch và có thể chuyển thổ cư được phải 3,5-5 tỉ đồng/sào; còn đất đã chuyển thổ cư 100% thì lên tới 12-15 triệu đồng/m2.
Chị Hằng (ngụ quận 7) cho chúng tôi biết hồi tháng 1, chị tìm được mảnh đất khoảng 1.000 m2 trên đường Lâm Thị Ngành thuộc xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) là đất trồng cây lâu năm (có thể lên thổ cư), chủ đất chào bán giá 2,8 tỉ đồng nhưng chị chần chừ không mua. Mới đây, chị liên lạc lại thì chủ đất đã nâng giá lên 3,3 tỉ đồng. Lý do được giải thích là vì giá thị trường tăng nên phải tăng theo. Một năm trước, chị Hằng tìm hiểu đất nông nghiệp ở khu vực này chỉ 1,5-1,6 tỉ đồng/sào.
Tại một vài mảnh đất khác trong khu dân cư hiện hữu, đã lên thổ cư, giá bị “hét” tới 15-17 triệu đồng/m2, tăng 10%-15%, thậm chí có nơi tăng đến 30%-50% so với trước Tết Nguyên đán.
Ở khu vực huyện Hóc Môn, đất đai có phần hiếm hơn và giá đã cao chót vót. Bà Nguyễn Hoàng Hà (nhà ở xã Tân Hiệp) cho biết trong 2-3 tuần trở lại đây, cứ cuối tuần là có rất nhiều người đến khu vực này tìm mua đất. Có nhiều mảnh đất trống lâu năm không biết chủ là ai nhưng gần đây có người đến đặt cọc, mua bán, dựng hàng rào…
Trong vai người tìm mua đất nông nghiệp, chúng tôi được môi giới dẫn đi xem mảnh đất rộng 3.000 m2 trên địa bàn xã Đông Thạnh. Mảnh đất nằm ở khu vực khá hoang vu, đang trồng rau nhút nhưng giá bán tới 2,4 tỉ đồng/sào, tức hơn 7 tỉ đồng cho toàn bộ miếng đất, tăng hơn 1 tỉ đồng so với trước Tết. Một vài người dân ở đây cho biết đất khu vực thuộc diện quy hoạch nên không thể chuyển thổ cư để xây dựng được. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có người tới mua bán, cắm cọc xong rồi đi, không xây dựng được nên vẫn còn khá hoang vắng.
Đừng “nhắm mắt đưa chân”
Nhận xét về việc bất động sản các huyện vùng ven TP HCM gần đây giao dịch khá sôi động và giá cả tăng vọt, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cho rằng trong thời qua, giá bất động sản các tỉnh giáp ranh TP HCM hoặc xa hơn như Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk đã lên sốt, có nơi tăng tới 200%-400%.
Trong khi các huyện vùng ven của TP HCM như Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, giá đất, nhất là đất nông nghiệp, vẫn còn khá rẻ, chỉ ngang bằng một số huyện ở tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng… Với những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, họ nhận thấy tiềm năng của những khu vực này, đặc biệt gần đây có nhiều thông tin tích cực liên quan tới huyện Củ Chi, Hóc Môn nên chuyển hướng đầu tư vào 2 địa phương này. Đây là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết nhiều người đã lợi dụng thông tin từ các cuộc họp để trục lợi, nhất là các đầu nậu, cò đất, hay các doanh nghiệp bất lương đã làm cho giá đất ở huyện Củ Chi, Hóc Môn “loạn lên”.
“Cũng phải thừa nhận hạ tầng giao thông tốt hay việc thúc đẩy phát triển ở khu vực nào thì giá đất ở đó tăng theo, dù vậy người mua cần cân nhắc bởi không phải khu vực nào cũng phù hợp quy hoạch. Nếu chọn đúng khu vực phát triển dân cư sẽ được lợi nhưng nếu gặp phải khu vực quy hoạch công viên cây xanh hay đường sá thì chắc chắn người mua lãnh đủ, còn cò hay đầu nậu hưởng lợi.
Chúng tôi đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn “liều”, nhắm mắt mua đất giá cao rồi không bán được. Trước đây, đã có nhiều doanh nghiệp làm đầu nậu, thổi giá đất đã bị xử lý, người mua chịu thiệt hại. Vì thế, những người có ý định mua đất lúc này phải tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ, đừng để tiền mất tật mang” – ông Châu cảnh báo.
Theo ông Trần Khánh Quang, các dự án ở huyện Hóc Môn, Củ Chi chỉ là mới kêu gọi, chưa có nhà đầu tư nào chính thức tham gia vào, cũng chưa có quy hoạch cụ thể nên chưa ai biết được khu vực nào sẽ là “tâm chấn” có thể tăng giá và gia tăng mãi lực. Như vậy, người mua đất lúc này có thể sẽ gặp rủi ro, nhất là những người đầu cơ, lướt sóng hay dùng tiền vay, mua xong mà không bán được hoặc bị vướng quy hoạch sẽ rất khó khăn. Còn với những nhà đầu tư trường vốn thì đây là cơ hội tốt để đầu tư nhằm hướng đến khu đô thị Tây Bắc TP HCM những năm tới.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)