Cũng như phần lớn các tập sách đã ấn hành trước đây, dù được thể hiện qua những thể loại khác nhau (thơ, truyện ngắn, ký sự…), sáng tác của Trương Điện Thắng tựu trung vẫn thường hướng về chủ đề mà anh tâm huyết nhất: Những chuyện vui buồn xưa và nay trên các miền đất quê hương xứ Quảng.
Trong đó, “Cây mai hạ” – mở đầu phần truyện ngắn của tập sách – chỉ là một câu chuyện tình bạn sâu lắng, nhẹ nhàng của đôi nam nữ lớn lên ở làng quê, với những tình cảm rung động đầu đời vu vơ của tuổi học trò nhưng gần như họ vẫn luôn được gắn kết bởi một sợi dây vô hình bền chặt, dù trải qua biết bao biến động không gian, thời gian, dù cách xa nửa vòng trái đất. Bởi lẽ, trong ký ức của họ mãi tồn tại hình ảnh kỷ niệm cây mai hạ mang đậm hồn cốt quê hương. Trong cái im lặng của cây còn có một tâm hồn của con người bền quyện.
“Nam Xương tửu quán” – truyện ngắn mang tựa cho cả chùm truyện – như là một cái cớ để dẫn dắt người đọc tìm lại không gian xưa, nơi chốn một thuở hào hùng của những chí sĩ yêu nước xứ Quảng năm 1933 – 1934. Những câu chuyện, những bài thơ tức cảnh sinh tình của người xưa vẫn còn lưu giữ ở làng quê Thanh Quýt, “chỉ tiếc là chiến tranh liên miên, cái bảng hiệu Nam Xương tửu quán ấy không còn nữa”. Dưới tán tre vườn ngoại là câu chuyện diễn ra quanh quẩn ở một xóm quê nhưng nội dung mang nặng những ký ức xung đột, mất mát, hận thù… kéo dài từ thời chiến tranh. Cuối cùng, nhờ tình gia đình, tình làng xóm với tấm lòng bao dung, nhân ái nên mọi thứ cũng trôi qua êm đẹp.
Một số truyện ngắn khác như: “Sông cũ người xưa”, “Cái ảng nước”, “Xóm cũ”, “Đêm ấy ở Woodland”… cũng là những hồi ức đong đầy kỷ niệm theo chân những người con lưu lạc từ làng quê đến phố thị. Dù trải qua mọi cảnh ngộ khó khăn, họ vẫn không quên ý thức chăm lo gìn giữ gốc gác, cội nguồn.
“Nam Xương tửu quán” của nhà báo, nhà văn Trương Điện Thắng
Trong phần ký sự của tập sách, nổi trội nhất là chùm “Ký sự Đà thành”. Tác giả đã gửi đến bạn đọc cái nhìn tổng quan, đối sánh của Đà Nẵng xưa và nay, với các tựa đề: “Đường đến chợ Cồn”, “Cửa biển Thanh Bình”, “Từ Quai Courbet đến Bạch Đằng”, “Hai thế kỷ đèo Hải Vân”, “Bà Nà trăm tuổi”, “Từ cảng Đà Nẵng đến EWEC”…
Điều thú vị là hầu hết chủ đề các bài viết, tác giả đều phản ánh từ những suy tư trải nghiệm thực tế của chính mình: “Tôi theo gia đình từ Quảng Nam ra sống ở Đà Nẵng từ năm 1965, đến nay đã ngoài 50 năm. Nhưng để hiểu về thành phố này cũng không là chuyện dễ. Có những hôm lang thang trên phố, tôi chợt nhận ra một Đà Nẵng hiện giờ, lúc nào cũng gắn liền với đất Quảng, là một bộ phận không thể tách rời. Thành phố luôn gắn liền với quá khứ với những cơn đau quặn thắt, với những niềm vui chưa trọn…” (“Ký sự Đà thành”); “Tôi may mắn được rời Đà Nẵng bằng nhiều đường hàng không bay thẳng ra nước ngoài từ trước và sau ngày đất nước đổi mới… Rồi từ những chuyến bay đó, đi xa hơn đến châu Úc, châu Mỹ. Trên những chặng bay dài như vậy, tôi thường đọc và ngẫm nghĩ về nhiều chuyện để quên đi thời gian…” (“Đến Đà Nẵng từ đường hàng không”).
Rồi cũng qua những trang viết phản ảnh như vậy, tác giả đã không quên tri ân và mạnh mẽ đề xuất: “Cũng đừng lãng quên những tên tuổi, như Paul Doumer, Debay, Huỳnh Thị Bảo Hòa, luật sư Beisson (người quản lý đầu tiên ở Bà Nà) và cả cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, đã gắn liền với 100 năm tồn tại và phát triển của khu du lịch này! Hãy đặt tên họ cho những con đường, những công trình tiêu biểu ở đây, như một sự tôn trọng lịch sử” (“Bà Nà trăm tuổi”).
Khép lại tập sách, người đọc cảm thấy thật ấn tượng bởi dư vị từ những câu chuyện sống động, ngồn ngộn thông tin về đất và người xứ Quảng được tác giả diễn đạt bằng giọng văn mạch lạc, say sưa, tâm huyết và dường như hứa hẹn vẫn chưa khép lại…
Chính vì điều đó, chúng ta tin rằng tác giả Trương Điện Thắng sẽ còn viết tiếp, kể tiếp trong những tập sách mới trong thời gian không xa.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)