Theo đó, các trường căn cứ điều kiện của mình để xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn theo 3 định hướng của chương trình. Mỗi tổ hợp, ngoài các môn thuộc 3 nhóm định hướng, các môn được chọn từ 2 nhóm còn lại cần bảo đảm sự phù hợp để bảo đảm thuận lợi cho học sinh học tập.
Mỗi định hướng có thể có 1-2 tổ hợp có cùng các môn thuộc nhóm chính và các môn thuộc 2 nhóm còn lại. Số tổ hợp và số lớp/tổ hợp do trường quyết định bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Với cách này, các trường có thể xây dựng 3-6 tổ hợp để chuẩn bị cho năm học tới.
Khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định: “Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.
Việc cho học sinh chọn các tổ hợp môn học để học là theo 1 trong 3 định hướng nghề nghiệp mà chương trình thiết kế. Được chọn một trong số các tổ hợp của trường chứ không phải chọn từng môn học. Trường hợp trong một hướng có hai tổ hợp môn học để bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên của trường, học sinh có cùng định hướng nghề sẽ được xếp vào một trong hai tổ hợp đó. Sau khi xây dựng được các tổ hợp môn học lựa chọn, số lớp/tổ hợp mà trường có thể đáp ứng, các trường phải công bố sớm để học sinh, phụ huynh lựa chọn. Đây cũng là vấn đề các địa phương cần quy định trong phương án tuyển sinh lớp 10.
Phản hồi về việc việc học sinh có được chọn lại tổ hợp sau mỗi năm học, ông Thành cho rằng nếu học hết lớp 10 mà đổi hẳn sang định hướng khác là vô cùng khó khăn do phải học lại hầu hết các môn học lựa chọn ở lớp 10 thì thời gian hè khó có thể hoàn thành. Vì thế, ngay từ đầu, học sinh phải cân nhắc kỹ để lựa chọn với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường, phụ huynh.
Học sinh có nguyện vọng chuyển giữa 2 tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.
Về đội ngũ, ông Thành cho rằng nếu các trường xây dựng một số tổ hợp môn học với số lớp/môn học trên điều kiện của mình có thì không thể xảy ra tình trạng giáo viên bị quá tải hay thất nghiệp. Riêng môn âm nhạc, mỹ thuật, do lần đầu tiên được đưa vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới nên các trường không có sẵn giáo viên môn học này. Trước mắt, có thể huy động giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cấp THCS có trình độ từ đại học trở lên để tổ chức dạy ở một số trường THPT. Về lâu dài, cần căn cứ thực tiễn của địa phương để phát triển đội ngũ.
Tổ chức theo môn học
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, mỗi học sinh lựa chọn 3 cụm chuyên đề thuộc 3 môn học với tổng thời lượng 105 tiết/năm học. Căn cứ vào số tổ hợp và số lớp/tổ hợp, các trường xây dựng các lớp học chuyên đề theo các môn và tổ chức cho học sinh đăng ký học tập. Các lớp học chuyên đề được tổ chức theo môn học.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)