Tại Diễn đàn xúc tiến kinh doanh Việt Nam – Cuba diễn ra ở Hà Nội sáng 30-9, nhiều đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ về quá trình kinh doanh tại Cuba, đồng thời cũng nêu những kiến nghị với Chính phủ hai nước nhằm thúc đẩy thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước.
Đại diện doanh nghiệp hai nước nghe Thủ tướng Manuel Marrero Cruz phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hữu Hưng
Ông Trần Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc Viglacera, đánh giá đây là một khu vực nhiều tiềm năng, không chỉ ở Cuba mà cả khu vực Caribe với 400 triệu dân. Các nước này mới tập trung vào du lịch mà chưa phát triển sản xuất, vì thế rất tiềm năng cho các mặt hàng tiêu dùng, hàng gia dụng. Ngoài ra, nền giáo dục tốt, trình độ dân trí cao cũng là thế mạnh của Cuba trong tiếp cận khoa học công nghệ, đáp ứng được yêu cầu lao động tay nghề cao.
Dự án đầu tiên của Viglacera được làm từ năm 2019 đến nay đang hoạt động tốt. Dự án thứ hai là đặc khu kinh tế ViMariel, khu công nghiệp diện tích 156 ha nằm trong Đặc khu phát triển Mariel. Dự án được phê duyệt năm 2018. Đây cũng là khu kinh tế đầu tiên được giao cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và quản lý vận hành. Đến nay công ty đã phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với quy mô hơn 100 ha. Viglacera đang thu hút các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đầu tư vào đây.
“Bài học mà chúng tôi nhận được khi đầu tư vào Cuba là khi sớm tham gia vào thị trường mới, tiềm năng, sẽ tận dụng được nhiều cơ hội, được hưởng các chính sách ưu đãi để phát triển. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào Cuba và ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm. Với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, Chính phủ Cuba ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư. Những doanh nghiệp đầu tư vào ViMariel sẽ được hỗ trợ tối đa về thủ tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó rút ngắn thời gian, chi phí, giảm thiểu đầu tư và tối ưu hóa chi phí”- ông Hoàng Anh đánh giá.
Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, Cuba vừa có một số chính sách mới để khuyến khích vào lĩnh vực bán buôn – bán lẻ, doanh nghiệp mong muốn sớm được hướng dẫn để được hưởng những chính sách này.
Đại diện doanh nghiệp hai nước tại diễn đàn. Ảnh: Hữu Hưng
Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Bình, cho biết doanh nghiệp này đã đầu tư vào Cuba từ hơn 20 năm trước, vào các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như tã lót, giấy vệ sinh, bột giặt, đạt hiệu quả cao. Môi trường Cuba an toàn, chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ.
Ông Tú cho biết khó khăn là chưa được vay vốn ngân hàng để đầu tư, doanh nghiệp hiện vẫn đầu tư bằng 100% vốn của mình. Ông đánh giá nếu tháo gỡ được nút thắt về vốn thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Cuba.
Là một doanh nghiệp đầu tư dự án tại Cuba, đại diện Công ty Tín Thành nêu 7 đề xuất. Trong đó, cần thành lập ban điều hành trực tiếp về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam – Cuba nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cuba có ban điều hành chung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình lập dự án, đầu tư và sản xuất.
Đại diện doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ hai nước tạo điều kiện cho Vietnam Airlines có đường bay thẳng giữa Việt Nam và Cuba, thậm chí đề nghị Chính phủ Việt Nam bù lỗ cho Vietnam Airlines một thời gian. Hiện nay doanh nghiệp đi lại giữa hai nước còn khó khăn, nhiều khi bay nối chuyến phải chờ đợi hơn 10 tiếng đồng hồ.
Doanh nghiệp đề nghị Chính phủ Cuba cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cuba được phép nhập khẩu phương tiện đi lại cá nhân, do phương tiện đi lại tại Cuba còn khó khăn; cho doanh nghiệp được tuyển lao động trực tiếp mà không cần thông qua bộ ngành nào. Đồng thời, hai nước nên có cơ chế tránh đánh thuế hai lần, ưu đãi về thuế; cấp visa dài hạn.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)