Hơn một tháng trước, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND TP đề nghị xây dựng nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ để công dân được đăng ký thường trú. HĐND TP Hà Nội đã đồng ý chủ trương xây dựng nghị quyết về vấn đề này.
HĐND TP Hà Nội sau đó cũng đã tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn. Theo đó, đối với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước, quy định hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2. Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2 – tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Dự thảo nghị quyết này đã gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người bày tỏ không đồng tình với đề xuất về diện tích bình quân tối thiểu 20 m2 mới được đăng ký thường trú.
Chưa biết cơ quan tham mưu của TP Hà Nội căn cứ vào đâu để đưa ra đề xuất diện tích bình quân tối thiểu 20 m2 (với nhà ở không thuộc nguồn gốc nhà nước) mới được đăng ký thường trú. Song, những người không đồng tình viện dẫn nhiều quy định pháp luật cũng như lý lẽ khá thuyết phục.
Các chuyên gia luật pháp cho rằng đề xuất diện tích ở tối thiểu nêu trên có thể tạo ra “hàng rào kỹ thuật” gián tiếp hạn chế quyền hiến định của người dân, nhất là với nhóm đối tượng thu nhập thấp. Bởi lẽ, Hiến pháp 2013 có những điều khoản quy định rõ mọi công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và được tự do cư trú.
Đề xuất như dự thảo còn mâu thuẫn với chính quy định hiện hành của TP Hà Nội – diện tích đất tối thiểu được cấp sổ đỏ tại nội thành là 30 m2. Trong khi đó, với diện tích đất này, nếu là nhà một tầng thì một gia đình thuê ở có từ 2 người trở lên sẽ không được đăng ký thường trú. Chưa kể, đề xuất mới còn có thể hàm chứa sự phân biệt đối xử giữa nhà thuộc sở hữu nhà nước – chỉ cần diện tích 8 m2/người – với nhà tư nhân – phải 20 m2/người, tức gấp tới 2,5 lần, mới được đăng ký thường trú.
Không chỉ chưa ổn về mặt quy định luật pháp, yêu cầu diện tích tối thiểu 20 m2/người được xem là không phù hợp với thực tế điều kiện nhà ở tại Hà Nội hiện nay. Rất nhiều gia đình phải thuê nhà với diện tích khá nhỏ hẹp, do đó quy định này nếu được ban hành sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân trong việc có được một chỗ ở tương đối ổn định.
Vì thế, việc UBND TP Hà Nội đề nghị lùi thời gian ban hành nghị quyết quy định về diện tích nhà ở bình quân đã được dư luận đồng tình. Hy vọng TP Hà Nội sẽ có đề xuất mới sao cho phù hợp quy định pháp luật và nhất là phù họp với lòng dân.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)