Năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp (DN) dệt may từng bước phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng ngành dệt may vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm.
Chi phí tăng khoảng 20%-25%
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng 6 tháng cuối năm, ngành dệt may còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng Covid-19 mới vẫn hiện hữu. “Nhiều quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam” – ông Giang nói.
Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… và diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên, phụ liệu liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm tăng chi phí của DN khoảng 20%-25%.
Lãnh đạo VITAS nhấn mạnh bất lợi về tỉ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là những thách thức mà DN dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Dệt may xuất khẩu đạt kết quả tốt trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: MINH PHONG
Đặc biệt, tình trạng đồng euro mất giá gây ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu dệt may bởi sẽ làm giá thành hàng hóa cao lên trong bối cảnh người dân đang thắt chặt “hầu bao”. “Nhìn chung, sức mua tại thị trường này sẽ giảm đi. Khả năng cạnh tranh của hàng dệt may tất cả các nước vào thị trường EU đều sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng dệt may Việt Nam. Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng toàn ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 42 – 43 tỉ USD” – ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng nhận định thời gian tới, hoạt động sản xuất, xuất khẩu, trong đó có ngành dệt may phải đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn, song đây là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá nguyên liệu đầu vào.
Theo Bộ Công Thương, trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19, những bất cập về chuỗi cung ứng đã bộc lộ rõ. Nhiều DN dệt may của Việt Nam gặp khó khăn về nguyên phụ liệu để sản xuất. Dù tình hình hiện có cải thiện hơn nhưng đây vẫn là nút thắt không chỉ cho năm nay mà nhiều năm sau.
Về phía DN, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, dự báo 6 tháng cuối năm, DN này sẽ gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm trong quý III và IV/2022 dẫn đến nhu cầu mua sắm thời trang giảm. “Dự báo đơn hàng 2 quý tới có thể giảm do tỉ lệ hàng tồn kho của thị trường Mỹ cao và những đơn hàng bị chậm từ năm 2021” – ông Việt nói.
Tìm thị trường mới
Để vượt qua khó khăn, thách thức trong những tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho rằng các DN cần bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi “xanh” thích ứng với các yêu cầu của các nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang.
Theo ông Giang, VITAS đang thực hiện vai trò kết nối các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may.
Đầu tư mạnh cho thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động và chú trọng quản trị hàng tồn kho và quản trị tốt rủi ro là một trong những giải pháp quan trọng được ông Thân Đức Việt đưa ra để May 10 có thể biến “nguy thành cơ” trong 6 tháng cuối năm.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt, xây dựng các giải pháp dài hạn hỗ trợ ngành dệt may. Bộ này khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp dệt may, da giày cũng như phát triển dệt, nhuộm trong nước, bảo đảm nhu cầu vải cho ngành.
Tập trung chủ lực vào quý IV/2022
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ưu tiên của Vinatex trong những tháng còn lại của năm 2022 là tập trung giữ ổn định hệ thống sản xuất, việc làm trong điều kiện đơn hàng biến động, linh hoạt trong điều hành sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường các đơn hàng của ngành may, tập trung chủ lực vào quý IV/2022 – thời điểm cao điểm trong sản xuất đối với ngành may. Đối với ngành dệt vải, ông Hiếu cho biết tiếp tục tổ chức theo hướng quy củ, có định hướng, liên kết với ngành may trong chuỗi để tạo ra lợi thế từ các FTA đã ký kết.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)