Hai di tích lịch sử nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia là đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã trở nên tan hoang khi bị tháo dỡ, trùng tu sai cách.
Muốn phá là phá
Cảnh những tấm bia cổ nằm ngổn ngang, những cột gỗ có giá trị kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị tháo dỡ thành đống gỗ mục… khiến người dân không khỏi xót xa. Đó là tòa Tam bảo và nhà Tổ, yếu tố cấu thành gốc của di tích chùa Thiên Phúc trong phút chốc đã là quá khứ. Vì chùa Thiên Phúc là công trình cổ xưa nên khi tháo dỡ đến đâu, các hạng mục gỗ cổ bị hư hỏng đến đấy, cuối cùng là hạ giải cả ngôi chùa.
Cổng cũ đền An Liệt .Ảnh: TƯ LIỆU
Hiện ở nơi này, chỉ còn những đống gạch vỡ ngổn ngang, những đồ thờ, hiện vật nhà Tam bảo phải tạm bảo quản ở ngay cạnh nền móng cũ của di tích. Đó là hình ảnh tòa Tiền tế cổ ở đình Đại Lâm đang phủ bạt. Xung quanh là quang cảnh tan hoang bởi công trình tu bổ phải tạm dừng thi công.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Bắc Ninh, UBND xã Tam Đa đã thuê đơn vị tư vấn, lập phương án tu bổ, phục hồi Đại đình. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình các cấp, ngày 30-8, địa phương đã tự ý hạ giải toàn bộ phần mái tòa Tiền tế đình Đại Lâm để tu bổ, xây dựng nền móng của tòa Tiền tế mới, cách tòa Tiền tế lúc lập hồ sơ xếp hạng khoảng 8 m, khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép. Việc làm này đã vi phạm Luật Di sản vì hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích chưa hoàn thiện, chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp chùa Thiên Phúc bị hạ giải, Trưởng Phòng VH-TT huyện Yên Phong Nguyễn Thành Khôi cho hay huyện đã không phát hiện kịp thời, để xảy ra sự việc đáng tiếc. “Khi nhận được tin báo, huyện đã kiểm tra và yêu cầu xã lập biên bản. Nhưng khi đó, toàn bộ tòa Tam bảo cũng như nhà Tổ của chùa đã bị hạ giải” – ông Khôi tiếc nuối.
Cổng mới đền An Liệt.Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Mạo xót xa: “Cả ngôi chùa, với các hạng mục kiến trúc nghệ thuật cổ như thế, giờ đây thành đống gỗ mục”.
Ông Mạo khẳng định việc phá dỡ chùa Thiên Phúc là vi phạm rất nghiêm trọng Luật Di sản, xâm hại nghiêm trọng đến công trình di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia, cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, quy kết trách nhiệm quản lý di tích ở địa phương.
Quản lý di tích còn nhiều bất cập
Đình Đại Lâm được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Dấu tích còn lại cho thấy đình trước đây có quy mô lớn. Giá trị kiến trúc nghệ thuật của đình Đại Lâm là cổng Tam quan, Tiền tế và hệ thống 7 bia đá cùng các đồ thờ tự được tạo tác từ thời Lê trung hưng, thời Nguyễn… Di tích đình làng Đại Lâm được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.
Nhà Tiền tế của đình Đại Lâm bị dừng thi công tu sửa, bọc bạt bảo quản một thời gian vì vi phạm Luật Di sản .Ảnh: TIẾN DŨNG
Chùa Thiên Phúc được khởi dựng từ thế kỷ XVI, dấu vết là hàng gạch xây móng chùa có trang trí hình rồng mang phong cách mỹ thuật thời Mạc. Đến thế kỷ XVII – XVIII, chùa được trùng tu mở rộng. Chùa làng Đại Lâm cũng được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1989. Di tích đình làng Đại Lâm và chùa Thiên Phúc nằm trong quần thể cụm di tích kiến trúc nghệ thuật “Đình, Đền, Nghè, Chùa Đại Lâm” thuộc xã Tam Đa, huyện Yên Phong. Cụm di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng tại Quyết định số 100-VH/QĐ ngày 21-1-1989.
Thanh tra Bộ VH-TT-DL chỉ rõ hầu hết các vụ tôn tạo “chui”, khi chính quyền sở tại phát hiện, đình chỉ thì di tích đã bị phá hỏng các kiến trúc cổ…; chỉ còn lại là công trình dở dang, ngổn ngang. Phần lớn các di tích được trùng tu bằng các nguồn vốn khác nhau (công đức, xã hội hóa…); quy trình thủ tục triển khai không bảo đảm; nhiều dự án, thiết kế được lập bởi các tổ chức, cá nhân không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản như chùa Tích Sơn (Vĩnh Phúc), chùa Liên Phái (Hà Nội), đền Lảnh Giang (Hà Nam)…
Cùng với đó là công tác quản lý, theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại một số địa phương chưa được chặt chẽ, một số nơi để xảy ra hiện tượng khoán trắng cho người trông nom, đến khi phát hiện sự việc thì không thể cứu vãn được.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-3
Cán bộ quản lý yếu về chuyên môn
Trường hợp di tích quốc gia đình Tự Đông thuộc phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương bị “xâm hại” bởi “bích họa” được vẽ lên bức tường phía sau hậu cung và một phần tường bao đình Tự Đông đã gây bức xúc dư luận nhiều ngày qua. Đó chỉ là một trong những trường hợp xâm hại di tích ở Hải Dương.
Núi Mâm Xôi nằm ở thôn Bắc Đẩu, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) thuộc Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, là 1 trong 9 ngọn núi thuộc dãy núi Trán Rồng nằm phía sau đền Kiếp Bạc, cũng bị xâm hại nghiêm trọng, một số hộ dân san gạt, lấn chiếm để xây dựng các công trình dân dụng, làm phá vỡ cảnh quan.
Gần đây nhất là cổng đền An Liệt ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995) bị dỡ bỏ hoàn toàn thay vào đó là cổng mới bằng bê-tông theo kiểu tứ trụ, không mái, cánh cửa bằng kim loại, làm mất đi một phần giá trị di tích lịch sử văn hóa đền An Liệt.
Ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, cho biết tình trạng một số di tích lịch sử, trong đó có di tích đã được xếp hạng quốc gia ở tỉnh Hải Dương, bị xâm hại trong thời gian qua là một điều vô cùng đáng tiếc. Việc này có nguyên nhân chính là do ý thức của một số người dân còn hạn chế; cán bộ quản lý còn yếu về chuyên môn, chính quyền cơ sở còn chủ quan, chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn giá trị lịch sử – văn hóa của các di tích… Những việc làm này cần được chấn chỉnh ngay nhằm tránh các trường hợp tương tự có thể tiếp tục xảy ra.
Trọng Đức
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)