Giếng Ngọc – giếng cổ hàng trăm năm tuổi nằm trong khu di tích lịch sử Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa – đã bị chính quyền địa phương cho phá bỏ để làm mới, khiến dư luận bức xúc trong những ngày qua.
“Chúng tôi thấy xót xa lắm”
Mặc dù hiện công trình trùng tu giếng Ngọc đã được chính quyền tỉnh Thanh Hóa yêu cầu dừng thi công; Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản báo cáo Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT-DL) xin ý kiến chỉ đạo cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo nhưng người dân địa phương và nhiều nhà nghiên cứu không khỏi xót xa trước thực trạng di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng này.
Đền thờ Lê Văn Hưu được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1990, còn được người dân gọi với tên “chùa Ông Hưu”.
Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư, lập quy hoạch trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu.
Giếng Ngọc được người dân địa phương cho là giếng cổ hàng trăm năm trước khi bị phá bỏ. Ảnh: HOÀNG TUẤN CAN
Ngày 10-8-2010, Bộ VH-TT-DL có văn bản thống nhất chủ trương lập dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ Lê Văn Hưu.
Ngày 13-6-2011, Bộ VH-TT-DL có văn bản thỏa thuận, trong đó hạng mục giếng có nội dung lưu ý rất rõ: “Về mặt bằng tổng thể: Theo bản vẽ thiết kế thì vị trí giếng bị dịch chuyển về phía sát đường, do đó cần điều chỉnh thiết kế trên nguyên tắc tu bổ nguyên trạng giếng hiện có”. Văn bản như vậy nhưng trong quá trình tu bổ, tôn tạo, UBND huyện Thiệu Hóa đã cho phá bỏ giếng cũ để làm mới; cố ý làm sai nguyên tắc.
Ghi nhận thực tế tại đền thờ Lê Văn Hưu cho thấy chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa đang trùng tu, tôn tạo rất nhiều hạng mục công trình thuộc di tích. Nhiều hạng mục trong khuôn viên di tích đã cơ bản hoàn thành, riêng hạng mục giếng Ngọc, sau khi bị phá bỏ để làm mới, đang trong tình trạng dở dang vì vấp phải sự phản đối của người dân và nhiều nhà nghiên cứu; hiện tạm dừng thi công, chủ đầu tư đã cho phủ bạt bao quanh giếng.
TS Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản (Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa), cho rằng việc chủ đầu tư cho phá bỏ giếng cổ làm giếng mới bằng cách dịch chuyển, thu nhỏ kích thước hoặc làm mất đi đặc điểm kiến trúc vốn có đã tác động xấu đến tình trạng kỹ thuật, tổn hại đến mỹ quan, khiến nó tách rời khỏi khung cảnh mà nó đã tồn tại qua thời gian.
Cụ Trần Thị Lự (84 tuổi, ngụ xã Thiệu Trung) cho biết từ khi lớn lên, bà đã thấy giếng nước này, là công trình gắn bó, gần gũi với người dân Thiệu Trung. “Việc trùng tu, tôn tạo di tích là cần thiết nhưng chính quyền huyện cho phá giếng cũ, thu nhỏ lòng giếng bằng một giếng mới toanh thì dân làng không đồng tình. Chúng tôi thấy xót xa lắm” – cụ Lự bày tỏ.
Không quan tâm ý kiến chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL
Theo đại diện UBND huyện Thiệu Hóa, đây là dự án trùng tu, tôn tạo có ý nghĩa lịch sử – văn hóa lớn, vì thế trước khi trùng tu, các trình tự về thủ tục hồ sơ rất chặt chẽ và có lấy ý kiến người dân. Đa số người dân xã Thiệu Trung đồng tình việc trùng tu lại giếng Ngọc.
Thế nhưng, ông Trần Văn Oanh (52 tuổi; ngụ thôn 3, xã Thiệu Trung) và nhiều người dân nơi đây tỏ ra bức xúc trước cách trùng tu di tích của chính quyền địa phương. Ông Oanh cho biết trước khi tiến hành trùng tu, chính quyền địa phương đã không họp và hỏi ý kiến người dân.
Giếng Ngọc được xây mới ngay trong nền giếng cũ. Ảnh: THANH TUẤN
Còn ông Nguyễn Khánh Tùng – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thiệu Hóa – đơn vị được UBND huyện Thiệu Hóa giao trách nhiệm thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Lê Văn Hưu – cho biết đơn vị thi công theo đúng bản vẽ đã được Bộ VH-TT-DL thẩm định.
“Rõ ràng chủ đầu tư đã không quan tâm ý kiến chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL khi thực hiện trùng tu di tích. Để xảy ra sự việc vô cùng đáng tiếc này, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư là UBND huyện, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương trong việc hướng dẫn, theo dõi thực hiện dự án” – TS Phạm Văn Tuấn nói.
TS Lê Văn Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa, cũng quy trách nhiệm cho chủ đầu tư vì đã không nghiên cứu thấu đáo ý kiến của Bộ VH-TT-DL trong hồ sơ dự án và các văn bản liên quan nên đã tỏ ra lúng túng, xử lý thiếu khoa học trong quá trình tu bổ di tích dẫn đến phá vỡ yếu tố gốc của giếng.
“Văn bản của Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản Văn hóa đã có khuyến cáo, nhắc nhở rất rõ về việc phải giữ lại yếu tố gốc. Cái gốc ở đây là hình hài của di tích lúc chưa trùng tu, phải tôn trọng cái đó. Quan điểm của tôi là phải khôi phục giếng như hình hài ban đầu, lúc chưa trùng tu” – TS Tạo bày tỏ.
Do lý lịch di tích không ghi giếng cổ ngàn năm (?)
Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa gửi Cục Di sản Văn hóa, lý lịch di tích đền thờ Lê Văn Hưu ghi là có hồ, có giếng (không có giếng Ngọc). “Căn cứ vào hồ sơ khoa học đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn (nay là huyện Thiệu Hóa), tỉnh Thanh Hóa được Bộ VH-TT-DL công nhận Di tích quốc gia năm 1990, có hạng mục giếng và chưa có tài liệu nào chứng minh giếng của đền thờ Lê Văn Hưu là giếng cổ ngàn năm” – văn bản nêu.
Báo cáo này cũng cho biết Sở VH-TT-DL đã phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa, UBND xã Thiệu Trung, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hóa và các nhà nghiên cứu di tích, lịch sử kiểm tra thực tế tại di tích đền thờ Lê Văn Hưu. Tuy nhiên, còn có những ý kiến trái chiều giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa – khoa học – lịch sử và địa phương trong việc hiểu nội dung “Điều chỉnh vị trí thiết kế giếng Ngọc để hạn chế tối đa việc dịch chuyển giếng” theo lưu ý của Bộ VH-TT-DL tại Công văn số 1840/BVHTTDL-DSVH ngày 13-6-2011 và tại Văn bản số 1104/DSVH-DT ngày 29-12-2021 của Cục Di sản Văn hóa về việc thẩm định thiết kế tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu. Đồng thời, đề nghị Cục Di sản Văn hóa sớm kiểm tra thực tế và có ý kiến chỉ đạo cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo bảo đảm đúng quy định.
(Còn tiếp)
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)