Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao, khi tổng giá trị xuất nhập khẩu cao gấp hơn 2 lần GDP trong nhiều năm và đang tiếp tục có tăng trưởng ấn tượng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỉ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 63,4%).
Nông nghiệp vượt khó
Ở mảng nông nghiệp, số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành đã đạt khoảng 36,3 tỉ USD, tăng 13,1%; thặng dư hơn 6,3 tỉ USD, gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food, Đồng Nai) – doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến nông sản với 2 mặt hàng chủ lực là nha đam và thạch dừa với hơn 50% doanh số đến từ xuất khẩu, cho biết các thị trường nhập khẩu đều hồi phục sau khi kiểm soát tốt được dịch COVID-19. Dự kiến cả năm doanh thu của G.C Food đạt khoảng 450 tỉ đồng, duy trì biên độ lợi nhuận hơn 10% trong 3 năm qua.
“Từ nay đến cuối năm, tình hình dự báo khả quan hơn khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm, thúc đẩy giao thương. Các thị trường nhập khẩu sau khi gặp cú sốc về tỉ giá đồng nội tệ và USD cũng đã định hình được mặt bằng giá mới và các đối tác đã tăng đặt hàng trở lại” – ông Nguyễn Văn Thứ cho biết.
Chế biến nha đam – thạch dừa tại Nhà máy Cánh Đồng Việt thuộc Công ty CP Thực phẩm G.C (Đồng Nai). Ảnh: AN NA
Với ngành rau quả, tuy vẫn chưa phục hồi tăng trưởng nhưng đang có nhiều tín hiệu lạc quan các tháng cuối năm. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 2,4 tỉ USD, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dự kiến cả năm vẫn đạt khoảng 3-3,2 tỉ USD.
“Sự lạc quan này đến từ việc sầu riêng được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch. Nước này cũng đang bị hạn hán nên gia tăng nhu cầu nhập khẩu thanh long và chuối của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Quan trọng nhất là với những tiền đề đã xây dựng thời gian qua, bước sang năm 2023, rau quả Việt Nam có khả năng “bùng nổ” vì giá trị xuất khẩu có thể lên đến 4 tỉ USD” – ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Trong khi đó, thủy sản là ngành có sự hồi phục ấn tượng và khả năng cao sẽ về đích 10 tỉ USD sớm hơn kế hoạch. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 8, thủy sản của Việt Nam đã thu về lượng ngoại tệ 7,67 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng ấn tượng như: tôm đạt hơn 3 tỉ USD, tăng 24%; cá tra 1,8 tỉ USD, tăng hơn 80%…
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, cho hay có nhiều thị trường ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn 50% trong 8 tháng qua như: Trung Quốc tăng 82%, Canada tăng 72%, Úc tăng 50%, Hà Lan tăng 52%, Bỉ tăng 80%… “Năm 2022, cá tra đã có một năm rất thuận lợi nên các DN trong ngành đều tăng trưởng doanh số ở mức cao.
Trong 8 tháng đầu năm nay, Công ty Vĩnh Hoàn đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu thủy sản và cá tra với gần 294 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước; các DN cá tra khác như: Biển Đông, Nam Việt, Vạn Đức Tiền Giang đều có tăng trưởng từ 36%-52%. Với ngành tôm, các DN tiêu biểu như Minh Phú Hậu Giang, CASES, FIMEX, Thuận Phước… đều tăng doanh số từ 19%-47% so với cùng kỳ năm ngoái” – bà Lê Hằng dẫn chứng.
Dệt may đạt kỷ lục mới
Bên cạnh nông nghiệp, dệt may vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết quý IV/2021 và 8 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn ngành dệt may tận dụng cơ hội phục hồi sau COVID-19 nên tăng trưởng tốt. Tám tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khoảng 30,2 tỉ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021.
“Lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, chúng ta tăng trưởng 20% trong 8 tháng đầu năm. Bên cạnh việc tạo kim ngạch, ngành dệt may còn tạo động lực để phục hồi nhiều DN ở các loại hình khác nhau. Cũng trong 8 tháng, tỉ lệ nội địa hóa ngành dệt may đạt 57%, cao hơn mức bình quân 50% của năm 2021 và những năm trước, đạt gần mục tiêu 60% của năm 2025” – ông Trường thông tin.
Theo ông Lê Tiến Trường, thành quả của ngành trong các tháng đầu năm đến từ lợi thế Việt Nam mở cửa hoạt động bình thường sớm nhất so với các nước xuất khẩu dệt may khác, gồm Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Chính vì thế, nửa đầu năm 2022, DN có đơn hàng dồi dào, kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả cao.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang, kỳ vọng với đà tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ đạt 42-43 tỉ USD. Trước thực tế thị trường thế giới đột nhiên trở nên “lạnh”, cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao…, lãnh đạo Vitas tin tưởng với nỗ lực của các DN trong việc “trả nợ” đơn hàng theo tiến độ đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, quản trị xanh hóa, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hoàn toàn có thể đạt được.
“Những thách thức hiện hữu do nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 trên thế giới, lạm phát cao tại Mỹ, EU, căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục phức tạp làm dấy lên lo ngại lạm phát ở nhiều nước… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may. Chi phí của DN đã bị đội lên 20%-25% so với cuối năm 2021, đơn hàng từ các thị trường tiêu thụ chính là Mỹ, EU sụt giảm” – ông Giang cập nhật.
Trước diễn biến trên, Vitas khuyến nghị DN tiếp tục ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu bền vững trong thời gian tới.
Nhanh nhạy chuyển đổi thị trường
Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) – chuyên xuất khẩu tôm sú, đánh giá năm nay hiệu quả kinh doanh tốt dù vẫn có nhiều thách thức. Nguyên nhân tích cực lớn nhất là nhờ DN đã tận dụng được các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, khi thị trường này gặp khó thì xoay chuyển sang thị trường khác. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ DN như: giảm thuế, giảm tiền điện, giãn đóng BHXH… của nhà nước cũng giúp DN có nguồn lực để phục hồi sau dịch.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-9
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)