Khi những tia nắng cuối cùng bị mây đen ùa tới nuốt chửng, cũng là lúc giông gió nổi lên. Những cơn sóng biển Tây Nam (khu vực đường phân định Việt Nam – Malaysia) bắt đầu ầm ầm chồm tới tàu, sau đó là tiếng tát mạnh vào mạn tàu làm cho tàu nghiêng ngả hết đợt này đến đợt khác.
Cấp cứu giữa muôn trùng khơi
Gần 17 giờ ngày 10-2-2022, những ngày đầu tiên của năm Nhâm Dần, chúng tôi ở tàu 205 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), đang tuần tra trên khu vực biển thì trên máy thông tin vang lên giọng nói vội vàng kèm theo tiếng xèn xẹt của máy thông tin: “Các chú ơi! Cứu với, cứu với, cứu với!”.
Giọng nói đầy lo lắng của ngư dân liên tục vang lên trên máy thông tin. “Đây là tàu 205, Vùng 2 Hải quân. Bác là ai, đang ở tọa độ nào? Bác cứ bình tĩnh trả lời” – tôi trấn an. Bên kia bộ đàm: “Chúng tôi là tàu cá BT8777TS…, trên tàu có người bị thương”.
Sau khi xác định được vị trí, tình hình, thuyền trưởng cho tàu chuyển hướng cơ động đến tàu cá BT8777TS.
Đến khoảng 17 giờ 55 phút, sóng biển cũng cao hơn, gió mạnh dần, mưa bắt đầu rả rích. Căn cứ vào điều kiện thực tế, tôi và thuyền trưởng sau khi trao đổi đã quyết định thay đổi từ phương án đưa ngư dân về tàu để cấp cứu thành đưa tổ quân y sang tàu cá cấp cứu cho người bị nạn vì sóng to, gió lớn rất nguy hiểm đối với ngư dân.
Sau khi tiếp cận được tàu cá, tổ quân y nhanh chóng đu dây qua tàu cá ngư dân. Dưới biển, sóng vẫn cứ gầm gừ, liên tục chồm tới đợt này đến đợt khác khiến con tàu không ngừng lắc lư, vặn vẹo như muốn vỡ tan ra nghe đến sởn da gà. Không suy nghĩ được nhiều, chúng tôi lao nhanh về phía ngư dân bị nạn.
Anh Danh Linh (ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) – thuyền viên trên tàu cá BT8777TS – bị vết thương sâu đứt động mạch ở cánh tay phải trong quá trình lao động. Lúc này, anh đã mất rất nhiều máu, có hiện tượng nôn ói, ngất xỉu.
Tôi và 2 đồng đội trong tổ quân y đánh giá nhanh tình hình rồi lao vào làm luôn để cầm máu và sơ cứu cho anh Linh. Đến khoảng 19 giờ thì xong, anh Linh bắt đầu nói chuyện được, sức khỏe dần ổn định lại. Để yên tâm hơn, chúng tôi vẫn ở lại tàu cá để tiếp tục theo dõi, cấp thuốc, bông băng thêm cho anh Linh và dặn dò anh Trọng (bạn thuyền của anh Linh) về khoảng thời gian nới garo, uống thuốc, theo dõi tình hình sức khỏe anh Linh.
Để an ủi anh Linh, cán bộ chiến sĩ trên tàu người thì lốc sữa, người gói bánh hay những lời động viên đều được gửi đến anh, mong anh sớm khỏe lại.
Đến 20 giờ cùng ngày, khi sức khỏe của anh Linh đã ổn định, chúng tôi bàn giao anh lại cho thuyền trưởng để tàu cá BT8777TS đưa anh Linh về bờ tiếp tục theo dõi thêm.
Cán bộ, chiến sĩ tàu 205 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) quan sát vùng biển được quản lý
Chiến sĩ thay Quốc kỳ trên tàu 205 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân)
Mệnh lệnh không lời
Đây là lần thứ 3 tàu 205 trực tiếp cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển, hai lần trước đó là vào năm 2020. Nhưng có lẽ đây là ấn tượng nhất đối với tôi bởi lần này trong điều kiện sóng gió lớn. Trên cương vị chính trị viên kiêm tổ trưởng tổ quân y, tôi vừa trực tiếp cấp cứu cho ngư dân vừa động viên, củng cố tinh thần cho anh em trong tổ quân y để không có sai sót đáng tiếc nào trong lúc sơ cứu. Dù tàu cá đã đưa anh Linh về bờ nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng, trăn trở. Không biết trên đường về có gặp vấn đề gì nữa không? Các ngư dân có làm theo lời dặn của chúng tôi hay có biết nới garo không?… Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu tôi lúc đấy.
Thiếu úy Trương Thế Luật, một trong những người trực tiếp sang tàu cá cấp cứu cho ngư dân, chia sẻ: “Lần đầu đi biển chưa quen sóng, nhiều hôm say đến nỗi nôn tống nôn tháo. Ấy vậy mà lạ thay, khi cấp cứu cho ngư dân, cái cảm giác say, mệt đó bay đi đâu mất mà trái lại tỉnh táo hơn, cố gắng làm thật nhanh, thật tốt những gì mình được học để cứu ngư dân”.
Đối với Luật – một sĩ quan trẻ mới ra trường, đây cũng là chuyến đi biển đầu tiên. Dù chưa quen với môi trường biển cả nhưng trước nguy hiểm của ngư dân, anh đã không hề nao núng, chùn chân.
Không chỉ là lúc ngư dân bị nạn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tàu cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tuyên truyền pháp luật trên biển cho ngư dân. Cán bộ chiến sĩ trên tàu thường làm rau mầm, giá đỗ hay có lúc cân thịt, con gà để tặng ngư dân cải thiện cuộc sống.
Thượng úy Nguyễn Văn Chung, thuyền trưởng tàu 205 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), cho biết: “Chúng tôi xem ngư dân giống như người thân trong gia đình. Ngư dân có vấn đề chúng tôi cũng trăn trở, suy nghĩ. Trong mọi tình huống, chúng tôi luôn đặt ngư dân lên trên hết, trước hết. Với chúng tôi, dù ở đâu đó trên biển đảo thiêng liêng này, khi ngư dân gọi đều có lính biển trả lời. Trong suy nghĩ của người lính biển chúng tôi, ngư dân là mệnh lệnh không lời”.
Trước đó, ngày 14-2-2020, tàu 205 thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biển (Việt Nam – Indonesia). Các chiến sĩ trên tàu đã kịp thời sơ cứu cho ngư dân Văn Xuân Long (ấp Phúc Tần, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) của tàu cá BV92158 TS bị viêm ruột thừa cấp và ngư dân Trương Thế Sang (quê quán huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) củ
a tàu cá BV 5536TS bị tai nạn lao động trong quá trình đánh bắt.
Mời tham gia cuộc thi viết “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”
Từ thành công của cuộc thi viết “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm” lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề “Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm”.
Nội dung, phạm vi đề tài:
– Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
– Thông tin khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
– Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
– Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới…
Thể lệ, yêu cầu:
– Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh…
– Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
– Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử…, tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
– Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
– Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia.
Thời gian:
– Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
– Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
– Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
– Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
– Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
– Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)