Ngay sau khi Tập đoàn Vingroup báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ tại Khánh Hòa hôm 12-3 về ý tưởng đầu tư 3 dự án đô thị với tổng diện tích hơn 16.800 ha tại huyện Cam Lâm và một phần TP Cam Ranh, nhiều người từ khắp nơi đã đổ về Khánh Hòa để săn đất, đầu tư nhằm đón đầu các siêu dự án.
Giá bắt đầu tăng
Theo ghi nhận, hiện thị trường đất đai ở 3 khu vực: huyện Cam Lâm, vùng ven Nha Trang và Khu Kinh tế Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh) được xem là sôi động nhất.
L., một người chuyên môi giới bất động sản ở TP Nha Trang, cho biết giá đất đang nhích khoảng 1-2 triệu đồng/m2 so với trước nhưng có rất ít giao dịch thành công vì đa số chủ đất muốn giữ đất chờ thời. Theo L., quỹ đất ở Nha Trang hiện còn ít nên mỗi khi có người bán là nhiều người tranh nhau mua. Giao dịch đất sôi động nhất là ở các xã giáp ranh Nha Trang – Diên Khánh. Ngay cả các xã ở Diên Khánh giáp huyện miền núi Khánh Vĩnh, giá đất cũng lên rất mạnh.
Khách hàng không chỉ người ở địa phương mà cả TP HCM, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. “Nhiều khu đất phân lô bán nền trước kia chỉ 2-3 triệu đồng/m2 nay đã lên gấp đôi, tức khoảng 4-5 triệu đồng/m2. Những khu đất đẹp chạy dọc tỉnh lộ có giá đến 9,5-10 triệu đồng/m2 ngang ngửa với TP Nha Trang. Đơn cử như một lô đất ở xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh) chủ đất chuyển toàn bộ 700 m2 lên thổ cư và rao bán với giá gần 7 tỉ đồng (9,5 triệu đồng/m2)” – L. nói.
Một lô đất phân lô bán nền ở Cam Lâm nằm ngay khu vực vườn xoài
Anh Toàn, ở Nha Trang, cho biết trước Tết Nguyên đán 2022 anh tìm mua đất ở xã Suối Hiệp có diện tích 350 m2 với giá 3,1 triệu đồng/m2, đến nay chỉ hơn 1 tháng đã lên 6 triệu đồng/m2 nhưng vẫn còn nhiều người hỏi mua.
Tại huyện Cam Lâm, sau khi có thông tin Tập đoàn Vingroup đầu tư 3 dự án với gần 17.000 ha đã khiến giá đất khu vực này sốt trở lại. Có mặt ở xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, một cò đất tên Tuấn liên tục chào mời chúng tôi mua đất với những lời quảng cáo đầy hấp dẫn: “Anh chị chỉ cần đầu tư 105 m2 với giá hơn 1 tỉ đồng (10 triệu đồng/m2) nằm ngay khu dân cư, gần dự án Vingroup, tiềm năng sinh lời cao. Mới tháng trước chỉ khoảng 800 triệu đồng/lô, nay đã tăng thêm 200 triệu đồng rồi”.
Còn tại khu vực Vạn Ninh, tình trạng sốt đất tương tự xảy ra. Chị Thảo (ngụ TP HCM) từ trước Tết đã ra Vạn Ninh “săn đất”, sau khi tìm hiểu chị quyết định mua một khu đất ở thị trấn Vạn Giã. “Bạn bè tôi ở TP HCM rủ nhau ra Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm mua đất rất nhiều. Người ít thì mua một vài trăm mét, nhiều mua cả ngàn mét đất đìa, đất trồng cây lâu năm… Thậm chí, nhiều người cùng hùn nhau mua một lô. Nhưng muốn mua cũng không phải dễ, giới đầu cơ săn đất giá rẻ rất đông” – chị Thảo cho biết.
Công khai quy hoạch để tránh rủi ro
Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, cho biết để đối phó với tình trạng bất động sản nóng lên sau khi các tập đoàn lớn vào nghiên cứu, huyện đã thành lập ban chỉ đạo riêng về lĩnh vực đất đai, quy hoạch để tránh tình trạng rao bán đất đai, dự án không đúng quy định pháp luật. Đồng thời công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện để người dân nắm rõ.
“Đến nay, chúng tôi cơ bản đã hoàn thiện quy hoạch phát triển huyện Cam Lâm theo quy hoạch chung tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép lập quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP Cam Ranh với mục tiêu phát triển theo mô hình đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế. Do đó, chắc chắn thời gian tới sẽ phải có một loạt điều chỉnh. Việc người dân mua bán tài sản, đất đai không ai cấm nhưng giai đoạn này không nên “đầu cơ” đất đai khi chưa nắm vững các quy hoạch để tránh gặp rủi ro. Huyện sẽ công khai các quy hoạch sau khi được cấp trên phê duyệt để người dân được nắm rõ” – ông Bảo cho biết.
Trong khi đó, ông Phan Việt Hoàng – Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa – cho rằng việc đất đai nóng lên sau khi có các thông tin quy hoạch, tập đoàn lớn đổ vào Khánh Hòa là theo nhu cầu của thị trường. Tuy chưa đến mức “bong bóng” nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì một số cá nhân muốn bán được sản phẩm đã dẫn chứng những tài liệu chưa được cập nhật, không chính thống.
“Việc mua đất khi đang được quy hoạch dễ gây nhiều hệ lụy; xảy ra các tranh chấp giữa người mua – bán – sàn khi không đúng cam kết… Thậm chí kể cả khi các dự án lớn hoàn thành thì thường nằm ở quần thể khép kín nên việc đón đầu chưa chắc có được lợi thế. Vì vậy trước khi đầu tư, người mua cần phải tìm hiểu kỹ ở các kênh chính thống từ cơ quan chức năng” – ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo anh Thắng, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Vạn Ninh, trước đây sau khi có thông tin khu vực Bắc Vân Phong đang được điều chỉnh quy hoạch thì giá đất đã bắt đầu tăng nhẹ, gần đây tình trạng “săn đất” nóng trở lại. “Hiện nay, mỗi môi giới viên của sàn tôi dẫn khách đi xem đất liên tục không nghỉ. Giá đất đã nóng trở lại. Đất mặt biển mà được rao bán tới 50- 60 triệu đồng/m2, đất mặt tiền đường lớn 25-30 triệu đồng/m2. Thậm chí, đất hẻm sát biển cũng cán mốc 13-15 triệu đồng/m2” – anh Thắng cho biết.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)