Trang chủ Đời sốngDu lịch - Khám phá Doanh nghiệp du lịch vẫn “khát” vốn

Doanh nghiệp du lịch vẫn “khát” vốn

bởi Linh

7 tháng đầu năm nay, ngành du lịch TP HCM đón hơn 13,3 triệu lượt khách nội địa và hơn 765.000 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu hơn 60.400 tỉ đồng. Các doanh nghiệp (DN) hối hả tuyển dụng thêm nhân sự; đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới để đón khách… Tuy nhiên, sự thiếu hụt về vốn trong quá trình kinh doanh phục hồi du lịch đang là vấn đề trăn trở, đau đầu cho DN.

Chỉ thật sự cần vốn mới vay, mà vẫn khó!

Những ngày này, du khách nườm nượp tới TP HCM. Khi tham quan khu vực trung tâm TP HCM, xe buýt 2 tầng Hop On – Hop Off là một trong những phương tiện được nhiều du khách lựa chọn để ngắm thành phố từ trên cao.

Kinh doanh khởi sắc, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on – Hop off Việt Nam (chủ đầu tư hệ thống xe buýt 2 tầng), muốn vay thêm vốn ngân hàng, đầu tư thêm xe để phục vụ khách… Thế nhưng, ông gặp khó vì nhiều điều kiện ràng buộc, nhất là để hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng và DN trong lĩnh vực du lịch do Sở Du lịch TP HCM và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM tổ chức ngày 18-8, ông Nguyễn Khoa Luân cho biết khi liên hệ một số ngân hàng thương mại, ông đều nhận được phản hồi đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), không thể cho vay. Chưa kể, DN sau 2 năm “ngủ đông”, tài sản thế chấp đã nằm hết ở ngân hàng, không thể có thêm tài sản.

“Cần có chính sách thoáng hơn giúp DN tiếp cận vốn tín dụng vì sau 2 năm quá khó khăn, đến giờ, những ai trụ lại đều thật sự cần vốn mới dám vay, thậm chí phải cân não tính toán từng đồng vốn để hiệu quả” – ông Luân bày tỏ.

Doanh nghiệp du lịch vẫn khát vốn - Ảnh 1.

Du lịch TP HCM phục hồi nhanh và doanh nghiệp trong ngành đang cần vốn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từ cuối tháng 6-2022 đến nay, việc nhiều ngân hàng hết room tín dụng khiến DN du lịch bị tăng chi phí vốn vì phải tăng dự trữ tiền mặt cho hoạt động kinh doanh.

Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty Lửa Việt Tours, dẫn chứng 2 tháng qua, ngân hàng giải ngân rất chậm và thường trễ hơn so với cam kết trong hợp đồng tín dụng vài ngày vì hết room. Trong khi đó, lượng khách đông, các khoản chi vé máy bay, khách sạn, nhà hàng…, DN phải trả đúng hẹn để khởi hành tour. Điều này khiến DN phải tăng dự trữ tiền mặt khi ngân hàng giải ngân chậm, làm chi phí vốn tăng.

Khó khăn này xảy ra với cả DN đã đáp ứng được điều kiện tín dụng và được vay vốn. Do đó, nhiều DN kiến nghị có giải pháp gỡ khó về room tín dụng để tránh tác động “vạ lây”.

Bà Phạm Phương Anh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho hay đang vay vài tỉ đồng ở ngân hàng thương mại với lãi suất sau ưu đãi khoảng 10%/năm. Đây là khoản vay cá nhân nhưng dùng để làm vốn lưu động cho công ty duy trì hoạt động.

“Nhiều DN du lịch không thể vay sản xuất – kinh doanh vì không có tài sản thế chấp, cũng không thể vay tín chấp, dù có thể chứng minh được dòng tiền và lịch sử tín dụng. Giờ du lịch thuộc diện được gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% quá tốt, nhưng làm sao để DN được hưởng chính sách hỗ trợ này?” – bà Phương Anh băn khoăn.

Cầu nối gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước khó khăn của DN, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhìn nhận việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ảnh hưởng đến quá trình tái khởi động. Đặc biệt, nhóm DN lữ hành rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến. Rào cản lớn nhất là thiếu tài sản thế chấp trong khi DN du lịch không dễ vay tín chấp.

Để DN du lịch phục hồi tích cực và bền vững, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận chính sách và giải pháp hỗ trợ về vốn. Thực tế, nhiều DN không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu điều kiện tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay sau 2 năm “đóng băng” vì dịch bệnh.

“Sở Du lịch TP HCM đề xuất ngành ngân hàng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng DN du lịch, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả” – bà Hiếu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho hay các ngân hàng đang triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 và Thông tư 03 về hỗ trợ lãi suất 2%, trong đó có các DN thuộc lĩnh vực du lịch. Các ngân hàng vẫn thẩm định điều kiện cho vay như bình thường. DN nào đủ tiêu chuẩn và được giải ngân từ ngày 1-1-2022 đến nay đều được hỗ trợ chính sách giảm 2% lãi vay này.

Với nhiều ý kiến phản ánh là một DN đăng ký rất nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có lĩnh vực thuộc diện được hỗ trợ lãi suất 2%, thì làm sao chứng minh để vay ưu đãi, ông Nguyễn Đức Lệnh giải thích điều này tùy thuộc vào mục đích sử dụng vốn của DN. Nếu đúng là vay vốn cho mục đích của lĩnh vực du lịch hoặc các lĩnh vực thuộc diện được hỗ trợ, DN sẽ được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2%. 

Tại hội nghị kết nối ngân hàng và DN trong lĩnh vực du lịch, lễ ký kết giữa 10 ngân hàng thương mại và 10 DN thuộc lĩnh vực du lịch đã diễn ra. Các ngân hàng và DN cũng trao đổi thông tin về thủ tục, chính sách vay vốn, gói sản phẩm ưu đãi hỗ trợ DN để phần nào tháo gỡ khó khăn. Đại diện nhiều ngân hàng như Vietcombank, HDBank, Agribank cũng giải đáp những thắc mắc của các DN.

“Tổng số tiền cam kết cho vay hơn 634 tỉ đồng. Đây là hoạt động thể hiện sự đồng hành và hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với DN du lịch, góp phần giải quyết nhu cầu vốn để du lịch phục hồi” – ông Nguyễn Đức Lệnh nhận xét.

Doanh nghiệp du lịch vẫn khát vốn - Ảnh 3.
Doanh nghiệp du lịch vẫn khát vốn - Ảnh 4.
Doanh nghiệp du lịch vẫn khát vốn - Ảnh 5.
Doanh nghiệp du lịch vẫn khát vốn - Ảnh 6.
Doanh nghiệp du lịch vẫn khát vốn - Ảnh 7.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm