Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây có thông báo từ chối bình luận của 40 doanh nghiệp (DN) tủ bếp, tủ nhà tắm của Việt Nam về nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm (scope inquiry). Nguyên nhân do các DN này nộp bản bình luận muộn hơn thời hạn nên DOC yêu cầu các DN chủ động gỡ bỏ/xóa các tập tài liệu đã nộp trên hệ thống.
Vẫn còn thời hạn để giải thích
Sự việc khiến nhiều DN gỗ lo lắng phía Mỹ cũng sẽ không chấp nhận giải trình của họ trong vụ điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thông tin gửi đến Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã nêu rõ vụ việc 40 DN gỗ bị từ chối nộp bản bình luận là trong vụ điều tra với tủ gỗ, không liên quan đến kết luận sơ bộ của DOC áp thuế chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán nhập từ Việt Nam. Vụ điều tra với tủ gỗ cũng mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu điều tra, phía Mỹ chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào. “Các DN này gửi thư tới DOC để đính chính thông tin là họ không sản xuất sản phẩm có liên quan” – đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.
Cũng liên quan tới việc Mỹ yêu cầu 40 DN gỗ gỡ bỏ thư, tài liệu đã nộp khỏi hệ thống, DOC sẽ có hướng dẫn cụ thể cách xóa/gỡ file. Khi có hướng dẫn của DOC, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thông tin tới các hiệp hội và DN.
Nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam không nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc lo bị “vạ lây”. Ảnh: AN NA
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cũng cho biết DOC bác giải thích của 40 DN liên quan đến mặt hàng tủ bếp, bàn trang điểm đặt trong phòng vệ sinh chứ không phải DN trong vụ gỗ dán đã có kết quả sơ bộ trước đó. Hai mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm trong phòng vệ sinh là một vụ điều tra khác và chỉ mới khởi xướng điều tra với thời gian là 360 ngày. “Các DN sản xuất tủ gỗ lo lắng về vụ điều tra nên đăng nhập vào trang web của DOC để giải trình, giải thích nhưng không hợp lệ. Do đó, cơ quan này yêu cầu họ phải gỡ bỏ hoặc xóa thông tin. Vụ này vẫn còn thời gian đến 360 ngày để giải thích, giải trình với DOC nên các DN cần chuẩn bị thật kỹ, đầy đủ, thuyết phục và tránh sai sót như vừa qua” – ông Hoài lưu ý.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty nằm trong danh sách 40 DN bị từ chối bản ý kiến phản biện và thông tin dữ liệu thực tế, cho biết không hiểu vì sao lại lọt vào danh sách này vì trước đó hệ thống đã có thông báo chấp nhận.
“Chúng tôi nộp bản giải thích từ rất sớm nhưng bị lỗi kỹ thuật nên phải gửi lại lần 2 nhưng vẫn trong tháng 7 (hạn chót là ngày 4-8 theo giờ Mỹ – PV) và được họ thông báo chấp nhận ngay ngày hôm sau. Chúng tôi đang liên lạc với cơ quan chức năng giải thích về sự nhầm lẫn này. Sự việc này có thể khiến DN bị áp mức thuế bất lợi dù không nộp hồ sơ muộn.
Công ty tôi có lợi thế về nguồn nguyên liệu gỗ trong nước nên nhập khẩu nguyên liệu không nhiều và hoàn toàn không nhập gỗ từ Trung Quốc. Lần đầu tiên công ty chúng tôi phải tham gia giải trình 1 vụ việc liên quan đến cáo buộc lẩn tránh thuế nên còn lúng túng. Sự việc xảy ra, chúng tôi phải tạm ngừng xuất khẩu nhiều mã hàng sang Mỹ dù chỉ sử dụng nguyên liệu trong nước” – vị này bày tỏ.
Liên quan tới kết quả điều tra sơ bộ của DOC đối với gỗ dán được sản xuất từ gỗ cứng, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho hay vụ việc này đã kéo dài suốt 2 năm nhưng các DN liên quan chưa thể xử lý được, nguyên do có thể họ chưa hiểu tầm quan trọng của vấn đề cũng như trình độ tiếng Anh hạn chế nên việc giải trình không đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Liêm, sau khi DOC công bố kết luận sơ bộ (ngày 25-7), Cục Phòng vệ Thương mại đã hướng dẫn các DN giải trình, đáp ứng yêu cầu với cơ quan DOC nhưng một số DN vẫn chưa thể xử lý được, do đó, cuối tuần qua, đoàn công tác của cục đã trực tiếp đến Bình Dương để hướng dẫn cụ thể cho DN.
Ngoài ra, đoàn còn đến tận nhà máy để kiểm tra đầy đủ các quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu để cơ quan này trình bày, giải thích tường tận với DOC. “Đến giữa tháng 10, DOC mới công bố kết luận cuối cùng nên các DN vẫn còn cơ hội giải trình, giải thích cũng như chứng minh nguyên liệu gỗ là hợp pháp, không lẩn tránh xuất xứ” – ông Liêm nói.
Ông Ngô Sỹ Hoài cũng nhấn mạnh trong vụ điều tra gỗ dán còn thời gian đến tháng 10 để DN cũng như hiệp hội và cơ quan chức năng phối hợp trình bày, giải trình chi tiết đến DOC. “Thời gian qua, không phải DN không hợp tác hay không trả lời với phía Mỹ mà do họ ít hiểu biết, có DN thuê cả luật sư để giải quyết vụ việc nhưng cũng không đi đến đâu. Luật sư phản biện, khai báo không đúng vấn đề, nhiều câu hỏi DOC đưa ra không được trình bày đầy đủ khiến các DN gặp bất lợi” – ông Hoài giải thích.
Các bên cần phối hợp chặt chẽ
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, rút kinh nghiệm từ vụ kiện gỗ dán, cơ quan chức năng cũng như hiệp hội cần phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ DN giải thích đầy đủ những câu hỏi mà DOC yêu cầu. Ngoài ra, DN phải chứng minh được gỗ nguyên liệu mà mình sử dụng là minh bạch, hợp pháp và không lẩn tránh xuất xứ. Thậm chí, phía Việt Nam sẵn sàng mời cơ quan điều tra của phía Mỹ sang tận nơi để kiểm tra cụ thể, trực tiếp và được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan mà họ yêu cầu.
“Gỗ dán liên quan đến nhiều sản phẩm khác, trong đó có cả sản phẩm tủ bếp, bàn trang điểm. Việc DOC khởi xướng điều tra thêm tủ bếp, bàn trang điểm càng làm cho DN gặp khó khăn nhiều hơn. Năm 2021, mặt hàng gỗ dán sản xuất từ gỗ cứng xuất sang thị trường Mỹ khoảng 522 triệu USD trên tổng kim ngạch là 16,5 tỉ USD, trong khi riêng mặt hàng tủ bếp chiếm đến 2,7 tỉ USD – một con số khá lớn. Do đó, bằng mọi cách các DN phải giữ thị trường quan trọng này” – ông Hoài nhấn mạnh.
Từ các vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết khi Trung Quốc bị áp thuế với sản phẩm gỗ thì Việt Nam đã đứng trước nguy cơ bị kiện vì xu hướng dịch chuyển sản xuất. Theo bà Trang, ở thị trường Mỹ, nguy cơ phòng vệ thương mại luôn hiện hữu. Đối với những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu càng cao, có năng lực, có thể sẽ đứng trước thách thức bị kiện phòng vệ thương mại rất lớn.
Khi đứng trước các vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có ngành gỗ, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng bên cạnh việc chủ động của DN, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, VCCI là rất lớn.
“Như ở Mỹ, chỉ có 20 ngày để cơ quan Bộ Thương mại quyết định là có khởi xướng vụ kiện hay không. Đó là khoảng thời gian để chúng ta chứng minh, tự bảo vệ mình” – bà Trang nói. Bà cũng nhấn mạnh thêm, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ thông tin pháp luật của nước nhập khẩu, trong đó gồm nội dung về phòng vệ thương mại để khuyến nghị, hướng dẫn DN.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, khuyến cáo các DN không nên làm những sản phẩm giống hoặc gần giống với sản phẩm của Trung Quốc vì rất rủi ro, dễ bị khởi xướng điều tra.
Còn ông Ngô Sỹ Hoài khuyên các DN gỗ Việt Nam nên tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ trong nước như gỗ keo có giá thành rẻ hơn nguồn nhập khẩu khá nhiều và bớt được chi phí vận chuyển.
Nếu áp thuế sẽ rất khó khăn
Liên quan tới các vụ điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà phía Mỹ đang thực hiện với các sản phẩm gỗ của Việt Nam, các DN gỗ trong nước đang rất lo lắng vì Mỹ là thị trường rất lớn của họ. Nhiều DN xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ, nếu bị áp mức thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) như với của Trung Quốc (từ 22,98% đến 194,9%) sẽ vô cùng khó khăn. DN không chỉ mất thị trường mà vốn đầu tư, nợ ngân hàng cũng không thể giải quyết được. Trường hợp phải tìm thị trường khác, DN phải đầu tư lại ngay từ đầu, càng khó khăn gấp bội.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)