Gần 1 năm sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) ở TP HCM nhanh chóng gác lại những tổn thất, vất vả đã qua và tăng tốc gấp rưỡi, gấp đôi nhằm tận dụng cơ hội phục hồi, phát triển.
“Cái khó ló cái khôn”
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (LTTP) TP HCM, cho biết nhiều DN trong ngành tự tin vượt khó. Sau dịch, DN gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã vượt qua, hoàn thành chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh. Tám tháng đầu năm nay, ngành chế biến LTTP TP HCM tăng trưởng trên 12% so với cùng kỳ năm 2021.
“Khoảng trên 80% DN chế biến LTTP tăng trưởng tốt trong 8 tháng đầu năm do nhu cầu tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu đều tăng. Nhóm hàng LTTP chế biến đang được châu Âu, Mỹ và một số thị trường tiêu thụ mạnh” – bà Chi dẫn chứng. Theo bà, ngành chế biến LTTP những tháng cuối năm thường tăng gấp đôi, kỳ vọng sẽ bứt phá về chỉ số sản xuất lẫn tiêu thụ trong các tháng tới, tăng tốc sản xuất tốt hơn và vượt kế hoạch cả năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho rằng kinh tế TP HCM và cả nước đã hồi phục hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng của DN từ đầu năm. Riêng mảng dịch vụ ăn uống, rất nhiều hàng quán thường xuyên trong tình trạng hết chỗ ngồi, cho thấy người tiêu dùng đã chịu chi tiêu trở lại dù giá cả không hề rẻ.
“Chuỗi cà phê The Bunny, thành viên của chúng tôi, đạt hiệu quả ở cả 3 chi nhánh tại TP HCM. Cuối năm nay, chúng tôi sẽ mở quán thứ 4 ở khu đô thị Vạn Phúc, TP Thủ Đức. Mảng du lịch của tập đoàn cũng hồi phục mạnh khi kín khách suốt mùa hè và tiếp tục sôi động trong các ngày nghỉ lễ tới” – ông Tùng phấn khởi.
Ngoài ra, Vina T&T còn đặt viên gạch đầu tiên cho chuỗi bán lẻ nông sản, thực phẩm cao cấp, giúp nâng tầm nông sản Việt. Trái cây Việt Nam và sản phẩm vùng miền của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ được bán ở những nơi trung tâm, vị trí đẹp, tương xứng với giá trị, bên cạnh sản phẩm cao cấp nhập khẩu. Vina T&T cũng sẽ mở cửa hàng tại Hà Nội vào cuối năm nay với các loại trái cây chuẩn xuất khẩu.
Xuất khẩu nông sản – mảng kinh doanh chính của Vina T&T – năm nay cũng ghi được dấu ấn lớn khi thâm nhập thành công hệ thống bán lẻ của Thái Lan. “Chúng tôi đã đưa thành công vải thiều và thanh nhãn vào Thái Lan, được thị trường đón nhận tốt. Điều này chứng tỏ sức cạnh tranh của trái cây Việt trên đất Thái. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa thêm nhiều mặt hàng khác như dừa tươi, sầu riêng Ri 6… để thử nghiệm thị trường” – ông Tùng tiết lộ.
Theo người đứng đầu Vina T&T, xuất khẩu trái cây tươi gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, tình trạng kẹt tàu, kẹt cảng làm thời gian vận chuyển kéo dài. “Cái khó ló cái khôn”, DN phát triển thêm mảng trái cây đông lạnh, giúp gia tăng lượng hàng xuất khẩu, tiêu thụ được nhiều sản phẩm cho nông dân.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Kido ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6.352 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 427 tỉ đồng, tăng 27%. Kết quả khả quan này có được là nhờ ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Kido đã đẩy mạnh triển khai loạt chương trình kích hoạt thương hiệu kết hợp ra mắt nhiều sản phẩm mới.
Sau khi nhà máy bánh kẹo Kido’s Bakery đi vào hoạt động từ tháng 4-2022, hàng loạt sản phẩm mới ra đời, “đánh” đúng thị hiếu khách hàng. Chuỗi F&B Chuk Coffee & Tea cũng tiến hành cải cách thương hiệu, ra mắt diện mạo mới cùng nhiều thức uống hợp xu hướng của giới trẻ hiện nay… Những nỗ lực này đã mang lại kết quả doanh thu của Kido tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido, khoe bánh trung thu Kido’s Bakery đang “cháy hàng” trên cả nước. “Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tung ra 300 tấn bánh và chinh phục vị trí thứ 2 thị trường bánh trung thu trong vòng 3 năm. Đến nay, DN đã bán được hơn 300 tấn bánh. Chúng tôi đang nỗ lực tận dụng nguồn nguyên liệu dự trữ để tiếp tục cung ứng cho người tiêu dùng trong phạm vi cho phép” – CEO Kido cho biết.
Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm chế biến trong nước lẫn xuất khẩu đều tăng. Trong ảnh: Nhiều loại nông sản, đặc sản Việt hội tụ trong một không gian sang trọng, cao cấp ở TP HCMẢnh: NGỌC ÁNH
Mở rộng thị trường
Ngoài bánh, Kido còn có nhiều hoạt động giúp duy trì vị thế, nâng cao thị phần trong thị trường dầu ăn lẫn kem tươi.
Thị phần dầu ăn của “ông lớn” ngành sản xuất thực phẩm này tăng liên tục trong 2 năm nay, hiện đứng vị trí thứ 2 tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Kido sẽ tăng cường sản xuất, mở rộng thị trường và thị phần, nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới, tiến tới mục tiêu dẫn đầu lĩnh vực dầu ăn tại Việt Nam trong tương lai gần.
Kido sẽ tăng tốc tiến độ, hoàn thành nâng cấp nhà máy dầu ở Vinh (tỉnh Nghệ An) lên gấp 4 lần để phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn tại thị trường miền Bắc. DN này còn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm dầu ăn sang các nước trong khu vực, trước mắt là Lào và Campuchia.
Với kem tươi, Kido tăng cường các hoạt động kích hoạt thương hiệu, tập trung mở rộng nhà phân phối và thị phần. Theo số liệu mới nhất từ Euromonitor – công ty nghiên cứu thị trường, Kido đang nắm giữ 44,5% thị phần kem tại Việt Nam. DN này đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới phù hợp thị hiếu và khẩu vị người tiêu dùng; tích cực đàm phán với đối tác trong nước và quốc tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác – liên doanh tiềm năng.
Những ngày này, Công ty TNHH TM-XNK Yến sào Sài Gòn Anpha đang nỗ lực đưa sản phẩm yến sào của Việt Nam ra thị trường thế giới. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Anpha, cho biết hoạt động xuất khẩu không chỉ làm tăng doanh thu và sản lượng tiêu thụ mà còn góp phần giúp người dân mở rộng việc nuôi chim yến.
Theo ông Tuấn, thị trường yến sào vốn khiêm tốn đã phát triển khá mạnh thời gian gần đây. Thị trường trong nước tiêu thụ tăng gấp 5 lần so với vài năm trước. Các sản phẩm yến sào với giá cả hợp lý đã tiếp cận được nhiều người tiêu dùng.
“Yến sào Việt Nam xuất khẩu trong giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn, phải tìm kiếm đối tác ở nước ngoài để giới thiệu, thuyết phục họ tin tưởng và mua sản phẩm. Đến nay, mỗi năm chúng tôi đã xuất khẩu hơn 10 tấn yến sào sang Trung Quốc, Hồng Kông – Trung Quốc, Singapore và đang đàm phán xuất sang châu Âu” – ông Tuấn nêu kế hoạch.
Từ sự thành công ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, Sài Gòn Anpha đã đầu tư cả trăm nhà nuôi chim yến và hơn 1.000 nhà yến của các đối tác trên cả nước. Theo ông Tuấn, từ khi nuôi chim yến, DN đã đồng hành với người dân bằng cách hỗ trợ, hướng dẫn họ xây dựng nhà yến đúng kỹ thuật, cũng như trang bị các thiết bị hiện đại để kiểm soát môi trường, độ ẩm, nhiệt độ từ xa. Công ty bao tiêu thu mua tổ yến với mức giá ổn định.
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng là DN phục hồi nhanh chóng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk, cho biết 2 năm qua, dù gặp nhiều thách thức vì bệnh dịch nhưng xuất khẩu của DN vẫn tăng. Năm 2020, xuất khẩu đóng góp 5.561 tỉ đồng vào tổng doanh thu của Vinamilk, tăng 7,4% so với năm 2019. Năm 2021, xuất khẩu của Vinamilk đạt 6.128 tỉ đồng, tăng 10,2% so với năm trước.
“Vinamilk vẫn luôn đồng hành với khách hàng để nắm bắt yêu cầu của người tiêu dùng, từ đó cùng với các đối tác tìm cách phát triển thị trường và tháo gỡ khó khăn, mang lại hiệu quả kinh doanh” – ông Hiếu nhìn nhận.
Nhiều năm qua, Vinamilk luôn tích cực tham gia các hoạt động quảng bá thương hiệu, kinh doanh quốc tế. Điều này góp phần đưa thương hiệu sữa có giá trị 2,4 tỉ USD này vươn lên Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu. Với việc thêm 2 thị trường mới được khai phá trong năm 2021, đến nay, sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế hơn 2,6 tỉ USD. Vinamilk ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín sữa Việt trên thương trường quốc tế.
Khó khăn chung: Thiếu vốn
Đại diện Hội LTTP TP HCM cho biết khó khăn chung của hầu hết DN hiện nay là thiếu vốn sản xuất – kinh doanh. Không riêng gì Hội LTTP TP HCM, nhiều hội ngành nghề khác sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mở room tín dụng cho những ngân hàng có khách hàng cần vay phục vụ nhóm hàng được ưu tiên để DN được hưởng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, giúp DN giảm giá thành sản xuất, qua đó kích cầu thị trường.
“Chúng tôi cần sự trợ giúp, sao cho các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đi vào đời sống. DN ngành LTTP rất cần vốn để chuẩn bị dự trữ cho sản xuất dịp cuối năm. Các chính sách nếu được thực thi kịp thời sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN” – bà Lý Kim Chi bày tỏ.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)