Ngày 15-12, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban, năm 2022, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và tình hình bất ổn thế giới, một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban lợi nhuận giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, các tập đoàn, tổng công ty vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh trình bày báo cáo tại hội nghị
Về thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty cho thấy tổng doanh thu ước đạt 1.123.334 tỉ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021), trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan.
Tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỉ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021). Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV)…
Về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2022, sau 4 năm chuyển về Ủy ban quản lý, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các đơn vị triển khai. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư.
Báo cáo của Uỷ ban cũng chỉ rõ, trong năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban còn một số tồn tại, hạn chế trong việc hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Ủy ban đã giao; còn tồn tại, hạn chế trong triển khai và giải ngân một số dự án đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn.
Tại hội nghị, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN nhấn mạnh năm 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên. Mặc dù doanh thu toàn tập đoàn năm 2022 vượt kế hoạch, ước đạt 460,73 ngàn tỉ đồng (tăng 4,31%), doanh thu Công ty Mẹ EVN ước đạt 385,3 ngàn tỉ đồng (đạt 101% kế hoạch) nhưng do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng rất cao đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022. Năm nay, tập đoàn ước lỗ 31.360 tỉ đồng.
Theo ông Nhân, năm 2023, EVN dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt các khó khăn, thách thức, trong đó có việc cân đối được tài chính. Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo, EVN đề nghị Uỷ ban tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
EVN kiến nghị chỉ đạo TKV tăng cường khai thác than trong nước để cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện; có giải pháp để giảm giá than bán cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sớm xem xét phê duyệt dự án đầu tư nhà máy thuỷ điện Trị An mở rộng…
Về phía Petrolimex, lãnh đạo tập đoàn này cho biết trong năm 2022 đã thực hiện tốt vai trò chủ đạo của Doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện bình ổn thị trường xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đặc biệt là những thời điểm khó khăn về nguồn cung.
Tổng sản lượng xuất bán hợp nhất toàn Petrolimex năm 2022 ước đạt 13.596.000 m3/tấn, hoàn thành 112% kế hoạch năm. Doanh thu hợp nhất ước đạt 240.000 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch và tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 300 tỉ đồng.
Petrolimex kiến nghị Uỷ ban có ý kiến với Liên Bộ Công thương-Tài chính sớm hoàn thành sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc vận hành thị trường xăng dầu trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) kiến nghị Uỷ ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
SCIC cũng kiến nghị Ủy ban đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế hoạt động của SCIC trong việc thẩm quyền ra quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên, xác định nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư trên tổng thể danh mục, hoàn thiện cơ chế bán vốn..
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)